- Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là rất nhiều. Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn, do phần lớn phụ nữ bị bạo lực còn e ngại, chưa hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Vậy việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình hiện hành có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Việc sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đìnhlà một việc rất cần thiết. Sau một thời gian đưa vào áp dụng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có rất nhiều bất cập. Các hành vi bạo lực gia đình ngày nay đã thay đổi, từ loại hình, nội dung cho đến mức độ và nhiều vấn đề khác đều có sự khác biệt. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần có sự cập nhật, bổ sung, nâng cao hơn và loại bỏ bớt đi những nội dung không còn phù hợp. Do vậy, Quốc hội quyết định sửa đổi Luật lần này là rất cần thiết.
- Theo ông, đâu là những vấn đề mới cần được quan tâm trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình ?
- Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, sát thực tế, cần đặc biệt lưu ý hai nội dung. Thứ nhất, phải nhận diện để bổ sung vào những loại hình bạo hành mới trong bạo hành gia đình. Chúng ta thấy rằng, hiện nay vấn đề bạo hành không phải chỉ ở việc hành hung về thể chất mà đã có những trường hợp bạo hành về mặt tinh thần, bằng cách sử dụng những phương tiện công nghệ mới và tác hại, ảnh hưởng của nó hết sức sâu sắc, thậm chí vô cùng nguy hiểm. Chỉ bằng những tin nhắn, bằng những dòng trạng thái hay những bài viết nhưng khi được tụ tập lại, sẽ giống như việc “đánh hội đồng”. Điều này đem lại tác hại hết sức to lớn.
Bên cạnh đó, việc bạo hành gia đình còn xảy ra ở các môi trường khác nhau ở trong một gia đình, không phải chỉ ở trong nhà, ở trong phòng mà kể cả ở bên ngoài gia đình nhưng tính chất vẫn là tính chất của gia đình. Đây cũng là những vấn đề rất mới.
Thứ hai, là đối tượng bị bạo hành. Chúng ta đã biết, đối tượng trong một gia đình bị bạo hành có thể là con cái, có thể là bố mẹ, ông bà, vợ chồng, người thân, những người bị phụ thuộc hoặc những người được coi là thành phần trong gia đình. Ví dụ như những cá nhân chung sống với nhau mà không có hôn thú, nhưng họ đã chung sống với nhau trong thời gian dài, thậm chí sinh con. Đây cũng là những đối tượng cần phải xem xét.
- Vậy theo ông, những đối tượng nào sẽ có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình?
Thứ nhất, là trẻ em. Trẻ em hay con cái trong gia đình, về mặt nguyên tắc là phải được dạy dỗ. Tuy nhiên, quan niệm của chúng ta hiện nay về việc giáo dục trẻ nhỏ mặc dù đã có thay đổi nhưng chưa triệt để. Nhiều gia đình vẫn quan niệm rằng “thương cho roi cho vọt” cho nên đôi khi, ranh giới giữa dạy dỗ và bạo hành có thể là rất mong manh. Thực tế, chúng ta đã thấy có những người bao hành con đẻ của chồng nhưng dưới hình thức là dạy dỗ, điều này vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, cần hết sức tỉnh táo, nhận dạng đúng các hình thức bạo hành mới và phải đưa vào trong luật về những vấn đề này.
Thứ hai, là người già, người lớn tuổi. Xã hội đang ngày càng phát triển cho nên tuổi thọ của người dân cũng ngày càng được kéo dài hơn. Cũng vì xã hội càng phát triển hơn thì nhu cầu về việc làm, về tiền bạc, về kinh tế trong một gia đình cũng lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, việc mà con bỏ rơi bố mẹ, con cháu; các cháu bỏ rơi ông bà đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này theo tôi là vô cùng nghiêm trọng, các tiêu chuẩn về đạo đức, luân lý liên quan đến hiếu nghĩa đang dần dần bị lung lay. Xã hội ngày nay đã có rất nhiều trường hợp vì thừa kế tài sản, tranh giành đất đai... con cái đã xúc phạm, đánh đập bố mẹ.
Thứ ba, nhóm đối tượng tôi hết sức quan tâm, đó là nam giới bị bạo hành. Nhóm đối tượng này bây giờ đã không phải là một vấn đề nhỏ nữa.
Tại Phiên họp thứ Sáu của Ủy ban Xã hội, nhiều đại biểu đã phát biểu về vấn đề này, trong đó đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - (Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - PV), trước đây là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đại biểu Hà cho rằng, đây là vấn đề cần phải được quan tâm vì chúng ta đã thấy rất nhiều người đàn ông trong gia đình đã bị bạo hành. Nhưng hình thức bạo hành mà các đối tượng này phải chịu thường ít có những hành động tác động bằng tay, chân, mà trực tiếp bằng lời nói, những lời trách móc, so đo diễn ra liên tục, bất kể ở đâu. Ảnh hưởng của điều này là vô cùng nặng nề và tác động rất lớn tới không chỉ sức khỏe, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần... Vì vậy, trong thời gian tới cần hết sức lưu ý đến nhóm đối tượng này.
- Xin cám ơn ông!