Hoàn thiện quy định về nguyên tắc trong hoạt động giám sát
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát dự kiến bổ sung nguyên tắc trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Song, do đây là một nội dung có ý kiến khác nhau nên dự thảo Luật đề xuất 2 phương án.
Theo đó, phương án 1 là quy định theo hướng “2a. Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Phương án 2 là quy định theo hướng “2. Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương".
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ tán thành với phương án 1. Lý lẽ bởi, thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy nhiều cuộc giám sát đã cung cấp thông tin hữu ích cho thực hiện công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, ngay từ khâu xây dựng mẫu báo cáo, hướng dẫn báo cáo cũng phải có định hướng cung cấp thông tin thực tiễn, kể cả các báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải đáp ứng yêu cầu này. Báo cáo của cơ quan tiến hành tố tụng phải nêu vụ điển hình, vấn đề và chỉ ra tác động đáng kể từ các số liệu được báo cáo. Có như vậy, Đoàn giám sát mới có thể đối chiếu với pháp luật hiện hành, có thêm thông tin bổ sung cho báo cáo kết quả giám sát. “Nguyên tắc chung của hoạt động giám sát này rất cần thiết được bổ sung trong sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này”, đại biểu đề nghị.
Cũng tán thành với phương án 1, ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) đề nghị, tại Điều 3 của Luật hiện hành cần bổ sung nội dung gắn với các hoạt động giám sát, đặc biệt là gắn với chức năng đại diện của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND. Bởi để đạt được các nguyên tắc công tâm, khách quan, dân chủ, minh bạch, thì phải bảo đảm nguyên tắc chủ thể có thẩm quyền giám sát được thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, đề cao vai trò của từng cá nhân đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và vai trò của từng cơ quan có thẩm quyền giám sát.
ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, cách thể hiện quy định tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật phải "khác đi" để bảo đảm nguyên tắc kết quả giám sát phải phục vụ đắc lực việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết được những vấn đề giám sát vừa qua chưa đạt kết quả tốt.
Với những lý do nêu trên, các đại biểu đề nghị, Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật phải viết lại theo hướng khẳng định nguyên tắc của hoạt động giám sát là bảo đảm tuân thủ luật pháp và pháp luật; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; bảo đảm quyền và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hoạt động giám sát.
Bổ sung quy định về giám sát tiếp công dân
Đối với quy định về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị của cử tri, tai dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri (tại Điều 30 và Điều 31).
Đồng thời, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án 1 là “5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Phương án 2 là “5. Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Một số ý kiến tán thành với bổ sung quy định Ban Dân nguyện có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Bởi lẽ, trách nhiệm này đã được quy định tại Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện (khoản 4 và khoản 5 Điều 2). Đồng thời, ở tầm văn bản luật, tại Luật Tiếp công dân năm 2013 cũng đã có quy định về Ban Dân nguyện (khoản 2 Điều 20).
Nhưng theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế), thì trong định hướng với công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhiều cơ quan, đơn vị sẽ được sáp nhập với nhau. Mặt khác, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và các ý kiến, kiến nghị của công dân theo ngành được phân công.
Cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân "vừa mang tính tổng thể, vừa là tính chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu tán thành với quy định theo phương án 1 để thể hiện được quyền, cũng như bảo đảm sự linh hoạt, chủ động của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trong xác định cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. “Như vậy, khi thực hiện sáp nhập hay thay đổi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến thực hiện giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị của cử tri”, đại biểu lưu ý.
Từ thực tiễn, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, hoạt động giám sát tiếp công dân vẫn chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổng hợp, xem xét, đánh giá trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện trách nhiệm tiếp công dân. Do đó, cần bổ sung quy định về giám sát tiếp công dân vào dự thảo luật, nhằm bảo đảm tính kịp thời, chính xác, phát huy chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.