Mở ra những chân trời mới với văn hóa đọc trong trường học

Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học không chỉ giúp học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của đọc sách mà còn giúp mở ra những chân trời mới. Dạy các em cách đọc sách cũng là dạy phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tiến tới phát triển toàn diện tư duy và nhận thức.

Bắt đầu từ việc yêu thích sách...

Cô giáo Hà Việt Anh, Chủ nhiệm Lớp Văn Hạnh phúc, chia sẻ, trong bất cứ thời đại nào, đọc sách luôn quan trọng để mỗi người tích lũy thêm kiến thức hoặc có những giây phút giải trí sau giờ học tập, làm việc căng thẳng. “Việc đọc sách trong nhà trường được hiểu là đọc sách giáo khoa, sách tham khảo nhiều hơn, và đang bị xem nhẹ. Tuy nhiên, nếu biết cách sắp xếp, tổ chức, hỗ trợ và khích lệ, việc đọc sách tại mỗi lớp học, trong trường học sẽ trở nên thú vị và hiệu quả”.

sach.jpg
Cô giáo Hà Việt Anh, Chủ nhiệm Lớp văn hạnh phúc, hướng dẫn học sinh cách đọc sách hiệu quả

Theo cô Việt Anh, để hướng học sinh vào hoạt động đọc sách, trước tiên phải khơi gợi để các em thích thú với sách. Nhiều em có lịch học dày đặc, bao gồm chính khóa và học thêm. Vì thế, đọc sách trở nên khó thực hiện với muôn vàn lý do. “Thông qua Lớp Văn Hạnh phúc, mỗi năm 30 buổi học, học sinh Tiểu học, THCS, THPT được tiếp cận những văn bản hay tác phẩm văn học ở dạng truyện ngắn khoảng 500 - 1.000 từ. Như vậy, ít nhất một tuần các em cũng được đọc truyện một lần và trong 30 buổi là 30 văn bản khác nhau”.

Đây có thể là cách tham khảo cho giáo viên trong các nhà trường. Theo giải thích của cô Việt Anh, việc đọc sách, trừ sách giáo khoa, sách tham khảo trong chương trình phổ thông, phải bắt đầu từ mong muốn tự thân của học sinh, giống như sở thích vậy. “Có trẻ thích vẽ, có trẻ thích chơi cầu lông, trẻ khác lại thích đánh đàn... nên việc đọc sách không nên bị giục giã, cưỡng ép hay bắt buộc, mà từ niềm yêu thích thực sự của trẻ mới mang lại hiệu quả. Tạo văn hóa đọc cũng cần xuất phát trong gia đình, ở từng ngôi nhà, song song với các hoạt động tại trường. Cha mẹ và thầy cô chỉ là người định hướng; trong nhà có giá sách, ở trường có phòng đọc thì mới có thể lan tỏa tình yêu ấy cho các con”.

Đến các hoạt động theo chủ đề

Khi học sinh đã yêu thích sách, việc khuyến đọc cũng vô cùng cần thiết và phải có phương pháp khoa học. Cô Việt Anh cho biết thường xuyên giới thiệu với các bạn nhỏ những cuốn sách mới xuất bản của tác giả trong nước hoặc nước ngoài, tác giả gạo cội, tác giả có tầm ảnh hưởng tới các em, như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và gần đây là các tác giả trẻ như Emma Hạ My, Nguyễn Hà Việt Chi... Bên cạnh đó, cô còn giới thiệu tới các em những buổi sinh hoạt, nói chuyện về sách, ra mắt sách phù hợp với từng lứa tuổi và khích lệ động viên học trò tham gia.

“Thông qua các hoạt động đó, các em sẽ học được cách mở rộng vốn từ, các kỹ năng viết văn, quy trình xuất bản một cuốn sách… để áp dụng vào việc học ngữ văn ở nhà trường cũng như nuôi dưỡng đam mê viết lách và biết đâu sẽ chắp cánh cho ước mơ trở thành những người viết chuyên nghiệp sau này”, cô Việt Anh nói.

Bên cạnh trang bị kiến thức cần thiết theo chương trình giáo dục phổ thông, việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh cũng cần được quan tâm bằng các hoạt động. Từng đồng hành với một số chương trình khuyến đọc, cô Việt Anh thừa nhận các hoạt động phát triển văn hóa đọc chưa thực sự hiệu quả. “Tại các trường quốc tế hoặc tư thục, họ có thư viện đẹp, khang trang đem lại cảm giác thư giãn khiến các bạn trẻ thích thú, đặc biệt ở đó có các thủ thư thông thạo về tủ sách, có thể tư vấn giới thiệu cho học trò về sách, tổ chức các hoạt động đọc sách. Điều này ít thấy tại nhiều ngôi trường công lập, nơi giáo viên phải làm công việc kiêm nhiệm; học sinh không có thời gian đọc sách”.

s2.jpg
Học sinh nên đọc sách theo chuyên đề

Theo cô Việt Anh, để phát triển văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách cho học sinh, nên chăng trong các nhà trường, giáo viên dạy Ngữ văn, dạy tiếng Anh hoặc các môn xã hội cần hướng dẫn các con học và đọc theo chuyên đề. Ví dụ, với bài học về tình yêu quê hương, đất nước hoặc lòng tự hào dân tộc... thầy cô có thể đưa ra cho trò danh sách tác phẩm nên đọc, khuyên các con đọc nếu có thời gian. Từ đó, trẻ sẽ có đường hướng và biết cách tìm tài liệu, bổ sung tác phẩm nào trong việc học những chủ đề đó.

Về phía nhà trường, khuyến đọc cần bắt đầu bằng các hoạt động theo tháng hoặc theo quý, theo chuyên đề trẻ quan tâm, cho phép các em tự đề xuất, ví dụ như: Tình yêu tuổi học trò, Giới tính và tình dục, Đu idol cách nào cho đúng... “Với những chủ đề trẻ hứng thú, các em sẽ tự nguyện đọc những cuốn sách được gợi ý trước mỗi buổi sinh hoạt, sẵn sàng và cởi mở chia sẻ những vấn đề trong cuốn sách cũng như tâm tư của bản thân. Các con có thể tưởng tượng cùng tác giả, hóa thân vào nhân vật yêu thích trong tác phẩm, và biết đâu đó có thể thay đổi tư duy, quan niệm để học giỏi hơn hoặc biết cách xây dựng, tạo lập mối quan hệ tốt hơn”, cô Việt Anh nhấn mạnh.

Việc khuyến đọc với học sinh THPT theo đó cũng có thể gắn với các hoạt động hướng nghiệp, thông qua các chủ đề, như: Hành trang vào đời (sách truyền cảm hứng phụng sự - cống hiến của những người nổi tiếng); Hướng nghiệp (nhóm sách về những ngành nghề, xu hướng thị trường việc làm); Chống sốc văn hóa khi đi du học, học nghề (sách về lịch sử và văn hóa các dân tộc, quốc gia khác); Tương lai tuổi trẻ (sách về xây dựng các mối quan hệ, quản lý tài chính, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần)…

Theo cô Việt Anh: "Lan tỏa văn hóa đọc không chỉ giúp học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách mà còn giúp mở ra những chân trời mới. Dạy các em cách đọc sách theo chủ đề cũng là dạy phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tiến tới phát triển toàn diện tư duy và nhận thức".

Để giữ gìn và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều chương trình. Các nhà trường, cấp học đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động thư viện, phong trào đọc sách theo hướng đa dạng hóa nội dung và hình thức. Qua đó, góp phần tích cực duy trì thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên, học sinh. Nhiều trường học có thư viện với đa dạng loại hình, như: thư viện xanh, thư viện di động, tủ sách lớp học… hình thành thói quen đọc sách cho học sinh.

Văn hóa - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?
Du lịch - Thể thao

Nhìn lại “đảo ngọc” sau một thập kỷ, điều gì góp phần tạo nên kỳ tích?

Nhằm thực hiện quy hoạch phát triển theo phê duyệt của Chính phủ, ngoài sự quyết liệt của hệ thống chính quyền thành phố, Phú Quốc còn có một lợi thế đặc biệt để sớm trở thành đô thị biển đảo, trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, đó là thu hút được những nhà đầu tư có tiềm lực và có tầm nhìn.

Không gian nghệ thuật ngoài trời tại Flamingo Đại Lải. Nguồn: flamingoresorts.vn
Văn hóa - Thể thao

Mở rộng đường biên sáng tạo của nghệ sĩ

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN dự báo, thời gian tới sẽ có những đột phá mới về ngôn ngữ tạo hình, thay đổi thói quen thị giác cũ, khuyến khích sự dấn thân sáng tạo của nghệ sĩ, rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ.

Một phần lịch sử đô thị Hà Nội
Văn hóa - Thể thao

Một phần lịch sử đô thị Hà Nội

Vết mờ của thời gian đang phủ bóng lên những di sản kiến trúc thời bao cấp cho dù đây vẫn là một phần quan trọng của lịch sử đô thị Hà Nội. Giá trị khác biệt của nó không chỉ nằm ở không gian, vật chất mà còn gắn liền với khát vọng, mơ ước và đời sống xã hội trong một thời chưa xa.

Y Bây - Vị trưởng buôn Ê Đê đam mê truyền thụ âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ
Văn hóa

Y Bây - Vị trưởng buôn Ê Đê đam mê truyền thụ âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ

Y Bây Kbuôr (SN 1981) được biết đến là trưởng buôn trẻ nhiệt huyết của buôn Kmrơng Prong A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Thời gian qua, anh đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là gương điển hình trong các hoạt động dẫn dắt truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ người đồng bào Ê Đê thêm yêu nhạc cụ dân tộc.