Động lực cho những chuyến xe tiếp nối
Du khách và người dân đến Phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng, mỗi dịp cuối tuần có chung sự ngạc nhiên thú vị khi chứng kiến cảnh trẻ em quây quần bên xe thư viện lưu động, chăm chú lật dở từng trang sách. Đó có thể là truyện tranh về truyền thuyết dân gian, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, truyện cổ tích, truyện lịch sử, sách khoa học, sách bằng tiếng dân tộc… hay các loại báo, tạp chí dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng...
Các em cho biết, những buổi đến trường, ngoài sách giáo khoa học trên lớp thì không có nhiều cơ hội được đọc sách, nhất là sách khoa học. Xe thư viện lưu động cũng luân phiên đến trường nhưng với nhiều em, đọc sách tại các không gian ngoài nhà trường như Phố đi bộ Kim Đồng là những trải nghiệm mới lạ. Khi được hỏi về sự lựa chọn giữa sách với điện thoại, ipad, máy tính, các em trả lời thích được tận tay cầm sách để đọc, cùng các bạn khám phá kho tàng kiến thức rộng lớn, bổ ích và lý thú của sách.
Phố đi bộ Kim Đồng đi vào hoạt động cách đây 5 năm, trở thành điểm nhấn của văn hóa, du lịch thành phố Cao Bằng. Thời điểm đó, mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện được Thư viện tỉnh Cao Bằng tiếp nhận từ Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với sự tài trợ của Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup. Và đến nay, xe thư viện lưu động đa phương tiện đã trở thành một cấu phần không thể thiếu của Phố đi bộ Kim Đồng.
Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng Phạm Ngọc Khoa cho biết: “Mỗi lần mang sách đến Phố đi bộ Kim Đồng, nhìn thấy các em ùa tới, chờ đợi cánh cửa xe mở ra, tíu tít chọn lựa, say sưa bên trang sách và luyến tiếc khi xe lưu động rời đi… chúng tôi như có thêm động lực để tiếp tục thực hiện hành trình đưa ánh sáng tri thức đến đây cùng các địa điểm khác trong tỉnh”.
Ý nghĩa thiết thực, phục vụ hiệu quả
Cũng theo ông Phạm Ngọc Khoa, từ khi tiếp nhận xe thư viện lưu động (năm 2019) đến nay, xe được trang bị và bổ sung hơn 7.000 cuốn sách, báo; 6 máy tính xách tay, 1 máy chủ cùng với phần mềm, máy chiếu, tivi, máy phát điện, 150 ghế ngồi phục vụ đọc sách và xem ti vi, 5 ô loại to, tài liệu điện tử, quạt công nghiệp, giỏ đựng sách báo. Đây là mô hình mang ý nghĩa xã hội thiết thực, thể hiện những ưu điểm vượt trội cùng khả năng đáp ứng nhanh, hiệu quả nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin, nâng cao trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào miền núi.
Với chủ trương “Sách đi tìm bạn đọc”, những chuyến xe thư viện lưu động đến tận nơi phục vụ người dân, đặc biệt là đối tượng độc giả không có điều kiện hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận thư viện, như: người già yếu, người nghèo, người tàn tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu vắng hệ thống nhà sách và thư viện, tủ sách còn thiếu… Qua đó, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trẻ em được tiếp cận với công nghệ thông tin, giải trí, tra cứu phục vụ sản xuất, đời sống, học tập và công tác; tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Từ năm 2022 đến nay, Thư viện tỉnh Cao Bằng đã tổ chức khoảng 110 chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện tại Phố đi bộ Kim Đồng, thu hút hàng chục nghìn người đọc. Bên cạnh đó, xe còn phục vụ tại nhiều trường học, lễ hội, sự kiện lớn trong tỉnh, như: Lễ hội Dân tộc Mông huyện Hòa An, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Lễ hội Chọi bò huyện Bảo Lâm, Lễ hội Về nguồn Pác Bó, Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, Lễ hội Thác Bản Giốc, Lễ hội Hoa lê... Thư viện cũng duy trì đưa sách phục vụ các điểm như: Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Cao Bằng, Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng...
Thư viện tỉnh Cao Bằng đã chủ động chọn lọc những đầu sách chất lượng, phù hợp với độ tuổi, sở thích của từng đối tượng người đọc. Bởi theo suy nghĩ của các cán bộ thư viện, mỗi hành trình tri thức phải xuất phát từ tâm, phải chuyển tải niềm vui và sự hứng khởi đến người yêu sách. Cũng từ các chuyến xe này, độc giả được tiếp cận tri thức, phát triển văn hóa đọc qua các trò chơi, cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề, đố vui, tìm hiểu tác giả, tác phẩm.
“Mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện thật sự mang lại hiệu quả tại Cao Bằng. Tôi mong muốn mô hình này được nhân rộng tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tất cả gói gọn trên một chiếc xe ô tô, nên việc bố trí, bảo quản máy móc, sách vở, đồ dùng không hư hỏng, mất mát sau mỗi chuyến đi dù vất vả nhưng với người làm công tác thư viện nó không khó khăn lắm. Được lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng là điều hạnh phúc của chúng tôi”, ông Khoa nói.