Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tại Phiên làm việc ở Hội trường chiều 28.5.
Trong Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng dự án Luật là cần thiết, bảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam |
Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, đó là không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất. Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Theo quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.
Trình bày Báo cáo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành việc ban hành Luật. Đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra |
Về phạm vi điều chỉnh, Báo cáo thẩm tra cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung điều chỉnh đối với việc quản lý, bảo hộ công dân Việt Nam sau khi xuất cảnh ra nước ngoài; việc bảo vệ an ninh quốc gia trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh phương tiện và kiểm tra hàng hóa, vật phẩm, hành lý, vật dụng cá nhân của người xuất cảnh, nhập cảnh.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì cho rằng khi công dân Việt Nam ra nước ngoài thì phải chấp hành pháp luật của nước sở tại, đồng thời không được thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm, đe dọa xâm phạm an ninh quốc gia của các đối tượng trong và ngoài nước đã được điều chỉnh bởi pháp luật về an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm. Còn việc kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh đối với phương tiện và kiểm tra hàng hóa, vật phẩm, hành lý, vật dụng cá nhân của người xuất cảnh, nhập cảnh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Về nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh (Điều 3) của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh để vừa phù hợp với cả công dân và cả cơ quan, cá nhân quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh. Có ý kiến đề nghị: bỏ quy định tại khoản 3 và khoản 4; bổ sung các nguyên tắc: mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.