Tại phiên thảo luận, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng. Trong đó, có những chính sách mới, lớn như đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tạo sự chủ động linh hoạt hơn cho các cấp, các ngành, các địa phương trong điều hành quản lý đầu tư công; cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa một số trình tự thủ tục không cần thiết để đẩy nhanh thời gian triển khai kế hoạch, chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng đẩy nhanh dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế. Qua nghiên cứu, nếu chúng ta làm tốt trên tinh thần này sẽ góp phần quan trọng giải bài toán khắc phục tình trạng giải ngân chậm, đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, với giải thích từ ngữ, tại Điều 4, khoản 24 quy định: “Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vượt mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao cho dự án, trừ dự án thực hiện qua hai kỳ trung hạn” cần làm rõ và quy định chặt chẽ hơn thời điểm xác định nợ đọng.
Cũng tại khoản 1 Điều 5 có quy định trường hợp thực sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; điều này thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư. Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, cụm từ “thực sự cần thiết” phải được luận giải rõ, vì thực sự cần thiết hay không còn tùy vào những thời điểm sẽ có quan điểm khác nhau.
Liên quan đến việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách, đại biểu cho biết đây là chủ trương mới và cần thiết. Nhưng câu chuyện đặt ra đối với các tỉnh khó khăn về nguồn ngân sách, nhất là các tỉnh miền núi thu không đủ chi, thì cân đối nguồn ở đâu để bổ sung thực hiện nội dung này?
Nêu thực tế này, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, cần thiết kế theo 2 hướng, đó là nguyên tắc chung có nguồn địa phương tự cân đối bổ sung cho Ngân hàng chính sách; còn đối với các tỉnh khó khăn không cân đối được nguồn, thì cần có nguồn từ Trung ương để cân đối hỗ trợ thêm cho địa phương có nguồn thực hiện mục tiêu này, từ đó bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ.
Tại Điều 48 về điều chỉnh chương trình dự án, dự thảo quy định rõ các trường hợp điều chỉnh chương trình dự án đầu tư công, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng. Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ thế nào là "bất khả kháng" hoặc dùng từ "bất khả kháng", thì phải bổ sung giải thích từ ngữ.
Đối với nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh (Điều 93), đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung khoản 3 quy định nhiệm vụ của UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Điều này nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ quy trình phê duyệt chủ đầu tư, thống nhất với các quy định ở khoản 2 Điều 25 của dự thảo; tránh chồng chéo trong quyền và bảo đảm các dự án thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh được thông qua một cách minh bạch, rõ ràng.
Góp ý với dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) tán thành với đề xuất của Chính phủ cho phép tách công tác đền bù tái định cư thành dự án thành phần độc lập, trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án, tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng cho một dự án riêng.
Tuy vậy, theo đại biểu, tại Yên Bái có các dự án nhóm B, nhóm C quy mô rất nhỏ, vì vậy nên chăng căn cứ vào tình hình thực tiễn cụ thể bổ sung quy định giao cho cơ quan quyết định đầu tư dự án có thể chủ động lựa chọn việc tách hay không tách (?).
Về việc nâng quy mô vốn đầu tư công với dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với quy định hiện hành quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11, dự thảo Luật, một số đại biểu nêu rõ, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án như dự thảo Luật là cần thiết và có căn cứ. Đồng thời nhấn mạnh, việc nâng quy mô vốn đầu tư công thực chất là phân cấp mạnh hơn, đúng quan điểm, mục đích xây dựng Luật và phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, tăng phân cấp, phân quyền cần gắn với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cũng như năng lực quyết định nguồn lực thực hiện của các cấp.
Về đối tượng đầu tư công (Điều 5), ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, đối với các dự án có quy mô nhỏ, có mục tiêu hỗ trợ, phát triển cộng đồng, nhất là các dự án về tái định cư, cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đơn giản đối với các loại dự án này nhằm rút ngắn thời gian, hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho cộng đồng, người dân thuộc đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công (Điều 74), tại điểm c khoản 7 dự thảo Luật quy định HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương trong các trường hợp: “c) Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần thiết kế lại điểm c theo hướng: "Do bổ sung mới danh mục dự án ngoài danh mục đã có trong kế hoạch trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương” để phù hợp với thực tế hiện nay.