Thảo luận tại Tổ 12 về dự án Luật sửa 7 Luật

Cần có lộ trình, bước đi phù hợp với quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử

Chiều 29.10, thảo luận về dự án Luật tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), các đại biểu cho rằng, việc quy định các sàn thương mại điện tử kê khai thuế thay các cá nhân trên sàn này khiến các sàn thương mại điện tử tốn nhiều thời gian, chi phí và nhân công thực hiện. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp và lộ trình bước đi phù hợp khi quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử.

t4.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn). Ảnh: Quang Khánh

Ảnh hưởng quyền lợi các cá nhân trên sàn thương mại điện tử

Đóng góp ý kiến với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia (một Luật sửa 7 Luật), ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, dường như việc một luật sửa nhiều luật đang bị hơi lạm dụng, đồng thời đề nghị nên hạn chế việc này.

Nếu đúng quy trình, thì cơ quan soạn thảo nên trình Quốc hội xem xét, sửa đổi 7 dự án Luật sẽ dễ theo dõi, đóng góp ý kiến và hoàn thiện hơn, vì cả 7 dự án Luật này là các lĩnh vực độc lập với nhau.

z5979183743354-59f41e2589451de8e1bd4b21d68f0b4c.jpg
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Góp ý về việc sửa đổi Luật Quản lý thuế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, cần cân nhắc quy định sàn thương mại điện tử kê khai thuế thay các cá nhân trên sàn này.

Bởi, quy định như vậy sẽ khiến các sàn thương mại điện tử tốn nhiều thời gian, chi phí và nhân công thực hiện; đồng thời, còn ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp các cá nhân trên sàn.

Các sàn thương mại điện tử không biết hộ cá nhân kinh doanh nào có tổng doanh thu dưới 200 triệu đồng, nên để tránh thất thu thuế, dự thảo Luật quy định theo hướng thu thuế với tất cả các hàng hóa. Điều này dẫn tới thực tế, có những hộ có thu nhập dưới 200 triệu đồng mà vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Do đó, nếu không tính toán đồng bộ có thể sẽ làm cho các hộ kinh doanh mất 8-10% doanh thu. Trong khi đó, hiện nay không có quy định hoàn thuế trong trường hợp này đối với các hộ có doanh thu dưới 200 triệu đồng.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp và lộ trình bước đi phù hợp khi quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, có cơ chế bảo đảm nghĩa vụ sàn thương mại điện tử thay Nhà nước có quyền lợi, lợi ích gì; có cơ chế giảm trừ trách nhiệm trong trường hợp làm hết trách nhiệm mà cá nhân cố tình che giấu thì thế nào?

Có nên giới hạn chuyển nhượng 3 năm hay không?

Góp ý với nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, các đại biểu cơ bản nhất trí việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài để tạo thuận lợi, tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thúc đẩy thị trường này phát triển và mở rộng kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Việc bổ sung quy định về các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết để giảm thiểu rủi ro trong thời gian vừa qua của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là đại chúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

z5979183810986-e7e2020cb619d4c0d0ad5dc724eb45b3.jpg
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) băn khoăn về quy định việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Điểm b Khoản 2 hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, cần rà soát lại quy định này, bởi so với quy định hiện hành, điều kiện để chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ đã tăng từ một năm lên 3 năm.

Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành để bảo đảm phù hợp với tình hình cũng như sự phát triển bền vững của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng nêu rõ, theo thông lệ thị trường quốc tế, các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật, Liên minh châu Âu (EU) cũng như một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam cũng không hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm như dự thảo Luật, đa phần các quỹ đầu tư thường có thời hạn hoạt động từ 5 - 7 năm.

Đối với quỹ đầu tư mới, thời gian thẩm định, đàm phán cho giao dịch cũng kéo dài khoảng 1- 2 năm. Nếu giới hạn chuyển nhượng 3 năm thì quỹ đầu tư mới sẽ không tham gia, đối với các quỹ đang hoạt động thì nhiều khả năng thời hạn hoạt động còn lại của quỹ cũng không vượt quá được thời gian thẩm định, đàm phán, ký kết giao dịch và hạn chế chuyển nhượng. Trong khi đó, việc chào bán riêng lẻ đa phần mục đích là cho các dự án đầu tư hoặc tăng vốn hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp và cổ đông hiện hữu được hưởng lợi từ nguồn vốn mới từ nhà đầu tư.

Do vậy, nếu thời gian hạn chế chuyển nhượng kéo dài lên 3 năm, thì khả năng huy động vốn mới của doanh nghiệp thông qua phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế, trong khi đó khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác, như: phát hành trái phiếu, vay tín dụng không phải lúc nào cũng thuận lợi, còn phát hành cho các cổ đông hiện hữu thì luôn phải chiết khấu rất cao so với giá thị trường. Việc gia tăng thời hạn hạn chế chuyển nhượng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025 khi hạn chế khả năng tham gia của nhà đầu tư mới vào thị trường, tạo thêm rào cản về việc chuyển nhượng vốn sau phát hành, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu rõ.

Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản
Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản

Đúng 19h10 tối 3.12, (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 - 7.12 theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc cử tri huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình
Chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc cử tri huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Sáng 2.12 tại Trung tâm Chính trị - Trung tâm hội nghị huyện Quỳnh Phụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tiếp xúc cử tri huyện Quỳnh Phụ để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam
Chính trị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam

Sáng 2.12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dự lễ công bố Nghị quyết số 1241/NQ-UBTVQH15 ngày 24.10.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.