Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, giám sát

Chiều 29.10, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, sửa đổi Luật phải theo hướng phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra và giám sát.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị các ĐBQH dành thời gian thỏa đáng, nghiên cứu thấu đáo, trách nhiệm, bởi dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn không đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này cần làm rõ có đạt được mục tiêu tháo gỡ điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, tăng hiệu suất đầu tư công so với trước đây hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đầu tư công theo quy trình một kỳ họp với tinh thần không cầu toàn nhưng phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

t1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Theo đó, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cho thấy tinh thần của việc phân cấp, phân quyền gắn liền với cam kết, chịu trách nhiệm, cùng với đó là thanh tra, kiểm tra, giám sát; tức là giao cho các chủ thể quyết định những nhiệm vụ của mình trong Luật này và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này phải giải quyết được câu chuyện hiệu quả đầu tư công - một trong những nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời không được để lại hệ lụy, đặc biệt là hệ lụy về công tác cán bộ. Do vậy, khi phân cấp, phân quyền, sự cam kết trách nhiệm của các chủ thể phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

t3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

“Chúng ta lại phải đặt vấn đề, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhưng mà tiền kiểm hay hậu kiểm? Cần nghiên cứu đối với những dự án nào, quy mô nào, mức độ nào có cơ chế là tiền kiểm; còn những loại dự án nào thực hiện cơ chế hậu kiểm. Chúng tôi rất muốn các đồng chí nghiên cứu và cho ý kiến về những cơ chế như vậy”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị.

Có nên quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên cho lập, thẩm định các dự án?

Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát thật kỹ lưỡng, mô tả đầy đủ các khái niệm, từ ngữ được giải thích tại Điều 4 của dự thảo Luật.

Bởi lẽ, việc giải thích từ ngữ tại điều này có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến nội dung của các phần sau của dự thảo Luật, nhất là các cụm từ như: "báo cáo nghiên cứu tiền khả thi", "báo cáo khả thi", "chủ trương đầu tư"... Đây là những khái niệm rất quan trọng, liên quan đến thẩm quyền của các chủ thể và liên quan đến nội hàm của các phần này ở những chương sau của dự thảo Luật.

Lấy ví dụ tại khoản 8 về chủ trương đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự thảo Luật quy định: phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công, trong đó có các tiêu chí như: sự cần thiết, tiêu chí khả thi, tiêu chí hiệu quả, tiêu chí nguồn vốn và mức vốn.

Cho rằng những yếu tố trên "đúng nhưng chưa đủ", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với những dự án sử dụng đất đai cần có thêm tiêu chí về sử dụng đất đai, loại đất. Vì trên thực tế, đã có nhiều trường hợp "lách luật" bằng cách lập dự án để được cấp đất, sau đó chuyển nhượng dự án kiếm lời….

t4.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Cũng tại Điều 4 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần làm rõ khái niệm thế nào là "dự án đầu tư khẩn cấp", nếu không quy định rõ, thì từ “khẩn cấp” rất dễ bị "đánh tráo" khái niệm. Do đó, cần bổ sung điều kiện của khẩn cấp là kịp thời, trong đó có tiến độ và thời gian hoàn thành.

Theo quy định tại Điều 16, liên quan đến chi phí lập, thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công, dự thảo Luật cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chi phí lập, thẩm định các dự án đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, quy định như vậy nhằm mở rộng phạm vi sử dụng nguồn vốn để chuẩn bị đầu tư công cho các dự án, tạo ra sự linh hoạt cho các bộ, cơ quan, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là những dự án có tính chiến lược quốc gia hay những dự án quan trọng của địa phương.

Tuy nhiên, nếu không quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến các nguồn chi khác trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục có chủ trương giảm chi thường xuyên. Do vậy, cần cân nhắc và lý giải lý do của việc sửa đổi nội dung này. Nếu sửa đổi theo hướng trên, cần quy định rất chặt chẽ và chỉ áp dụng đối với những dự án thật sự cấp bách, có tính khả thi và có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách rõ ràng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã chủ trì hội nghị làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Chiều 13.12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chủ trì Hội nghị làm việc với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị
Thời sự Quốc hội

Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị

Sáng 12.12, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp bộ “Tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật” tổ chức Hội thảo lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thực trạng và kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tặng hoa chúc mừng tập thể Liên minh HTX Việt Nam
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Tối 11.12, tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham dự Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của hợp tác xã (HTX) và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024. Sự kiện do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì tổ chức.

Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo”
Chính trị

Hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo”

Ngày 11.12, tại TP. Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh tổ chức hội nghị bồi dưỡng “Trí tuệ nhân tạo và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo” cho các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.