Có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
“Dự án Luật tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, dự án Luật quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt. Cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch. Đồng thời, tại dự án Luật bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh quy hoạch trong những trường hợp cấp bách.
Về sửa đổi Luật Đầu tư, dự án Luật này sửa đổi một số nội dung theo hướng: phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt và dự án đầu tư không phân biệt quy mô thuộc phạm vi bảo vệ của khu vực I và khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ các dự án đầu tư thuộc khu vực bảo vệ I của di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới nhằm tạo chủ động cho các địa phương.
Dự án Luật cũng bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại các Ban quản lý để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án Luật làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này, gồm: dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước dành cho chi đầu tư phát triển…
Để xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, dự án Luật quy định cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Về sửa đổi Luật Đấu thầu, dự án Luật sửa đổi một số quy định tại Luật Đấu thầu hiện hành theo hướng cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.
Sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Sửa đổi quy định về chỉ định thầu, căn cứ lập kế hoạch nhà thầu để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật về quy hoạch và dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu.
Tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...
"Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ Bảy và Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.
Nhấn mạnh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hoá trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.
Nêu những vấn đề cụ thể tại dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự án Luật phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định này chưa thể hiện sự khác biệt về điều kiện đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên đối với cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I, do đó đề nghị nghiên cứu lại nội dung này, đồng thời cần rà soát bảo đảm tương thích với nội dung sửa đổi về quy mô dự án tại Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang trình Quốc hội.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng. Ngoài ra, Luật PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ việc phân cấp có đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm việc quyết định và thực hiện hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, phạm vi tác động lớn. Làm rõ nội dung “cần thực hiện gấp” đối với các gói thầu quy định tại điểm h1, h2 bổ sung vào sau điểm h khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Sáng cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật này.