Kết hợp giữa kỹ thuật và giá phù hợp đối với các gói thầu mua sắm thuốc
Các ĐBQH cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn cung về thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, thuận tiện cho người bệnh trong việc mua thuốc bảo đảm chất lượng tại các cơ sở y tế công lập là cần thiết.
Nêu thực tế khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho biết, trong đánh giá ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam tại hồ sơ dự thầu: Mẫu số 06b - Bảng thuyết minh chi phí sản xuất trong nước trong cơ cấu giá của Thông tư 07/2024/TT-BYT ngày 17.5.2024 của Bộ Y tế về việc quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập có nêu: “Nhà thầu nộp các tài liệu chứng minh liên quan chi phí sản xuất trong nước”. Hiện nay, mỗi nhà thầu nộp hồ sơ chứng minh khác nhau, đơn vị chưa đủ cơ sở để đánh giá thống nhất cho tất cả các nhà thầu dự thầu.
Do đó, đại biểu đề xuất Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, quy định thống nhất danh mục tài liệu chứng minh liên quan chi phí sản xuất trong nước quy định tại Mẫu số 06b - Bảng thuyết minh chi phí sản xuất trong nước trong cơ cấu giá của Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
Khoản 7, Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu ngày 27.2.2024 của Chính phủ quy định “Không sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ”. Điểm b, khoản 6, Điều 12 Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định “Phương thức lựa chọn nhà thầu: Áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu. Cơ sở y tế công lập chỉ áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ khi có hướng dẫn của pháp luật về khoa học, công nghệ”.
Theo đại biểu, điều này sẽ hạn chế chủ đầu tư lợi dụng phương thức “một giai đoạn hai túi hồ sơ” để loại bỏ nhà thầu ngay trong bước đánh giá về kỹ thuật, tuy nhiên đối với đấu thầu thuốc như vậy sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu có giá dự thầu thấp trúng thầu, dẫn đến hiệu quả điều trị không cao. Vì vậy, nên áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá phù hợp đối với các gói thầu mua sắm thuốc để lựa chọn được thuốc có kết quả điều trị cao và giá thành hợp lý.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế quyết định hình thức mua sắm
Về đấu thầu thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, dự thảo Luật quy định đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc nhiều loại thuốc; việc áp dụng mua sắm trực tiếp trong từng lần phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 của Luật này.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị bổ sung “Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở khám bệnh chữa bệnh, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc nhiều loại thuốc...” vào khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh cung cấp đầy đủ kịp thời thuốc cho người bệnh. Việc mua thuốc cho nhà thuốc được quy định tại khoản 76, Điều 5 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP song trên thực tiễn, những cơ sở lớn mới tổ chức nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện; các cơ sở nhỏ không tổ chức nhà thuốc mà cho thuê (do thu không đủ để chi trả về đấu thầu, con người, tiền trực,...).
Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu rõ, mua sắm trực tiếp thực chất cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu, và trải qua quy trình của cuộc đấu thầu đối với danh mục thuốc của nhà thuốc bệnh viện như: lập kế hoạch, lập hồ sơ mời thầu và tiến hành thẩm định...
Nhưng hiện nay, nhà thuốc bệnh viện đang mua thuốc theo Nghị định 54 của Chính phủ và thực hiện áp giá mua sắm, có nghĩa là cũng sử dụng giá đấu thầu, kết quả đấu thầu trúng thầu của các cơ sở trong thời gian 12 tháng gần nhất. Do đó, đây cũng là một hình thức mua sắm nhưng không phải là hình thức đấu thầu và không phát sinh các chi phí trong quá trình đấu thầu.
Vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị điều chỉnh quy định theo hướng đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vaccine để tiêm chủng theo dịch, hình thức dịch vụ mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế được tự quyết định mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
“Như vậy cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế sẽ chịu trách nhiệm về việc quyết định hình thức mua sắm và lựa chọn hình thức mua sắm, qua đó bảo đảm tháo gỡ được những vướng mắc đang tồn tại hiện nay khi thực hiện Luật Đấu thầu”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.