Đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Theo ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), khi có Nghị quyết này, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng có thể linh hoạt sớm đưa vật chứng, tài sản trở lại lưu thông, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, tránh bị hư hỏng, thất thoát, lãng phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý, đây là nội dung chính sách hoàn toàn mới nên trong quá trình tổ chức thực hiện cần phối hợp thận trọng, công tâm, khách quan, bảo đảm được yêu cầu, giải quyết được các vấn đề đặt ra. Đồng thời, cần bảo đảm việc kiểm soát quyền lực giữa các bên, tránh tiêu cực xảy ra.
Dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được áp dụng trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu rõ, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định về xử lý vật chứng, trong đó quy định thẩm quyền, thủ tục và cách thức xử lý vật chứng. Riêng việc xử lý vật chứng, tài sản đã được quy định tại các Điểm a và Điểm b, khoản 3, Điều 106 là: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, trong thực tế giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan điều tra thường thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa những tài sản bị nghi có liên quan đến vụ án, hoặc những tài sản của bị can khi phạm những tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản, hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Như vậy, nếu cho rằng, phạm vi áp dụng của Nghị quyết này quy định về xử lý vật chứng, tài sản thì có lẽ chưa chính xác. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, đã là vật chứng vụ án thì không thể đưa ra xử lý khi vụ án chưa có quyết định đình chỉ vụ án tại giai đoạn điều tra. "Nghị quyết nên tập trung vào việc xử lý tài sản khi tài sản này bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa những tài sản bị nghi có liên quan đến vụ án, hoặc những tài sản của bị can khi bị can phạm những tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản, hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 128 và Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về việc cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản. Theo đó, đối với vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật dân sự, nếu chủ sở hữu hoặc người đại diện của họ với tổ chức, cá nhân có đề nghị cho mua bán, chuyển nhượng thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét, quyết định cho họ được mua bán, chuyển nhượng sau khi có kết luận giám định, định giá tài sản đối với vật chứng, tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, cần xem xét kỹ hơn khi thực tế trong một số vụ án hình sự, việc dựa vào kết luận giám định, quyết định định giá tài sản có trường hợp không chính xác, phải tiến hành giám định lại hoặc định giá lại tài sản mới giải quyết được vụ án.
Do vậy, nếu dựa vào kết luận giám định, quyết định định giá tài sản để quyết định cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thì sợ rằng khi cần giám định lại, hoặc giám định bổ sung hoặc cần phải định giá tại tài sản sẽ không còn tài sản. Điều này gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.