8 yêu cầu đổi mới trong xây dựng pháp luật
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, ngày 29.10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có thư gửi cho các đại biểu Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Trung ương và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm với 8 việc phải đổi mới.
Một là, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa giải phóng sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển. Hai là, bỏ tư duy không làm được thì cấm, thuận lợi cho cơ quan công quyền mà gây khó cho người dân. Ba là, luật phải ổn định, có giá trị lâu dài nên không cá biệt hóa các vấn đề cụ thể, chỉ quy định vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Như vậy thay đổi hoàn toàn so với trước đây, trước đây yêu cầu là không luật khung, luật ống, phải cụ thể.
Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Năm là, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật. Sáu là, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển tuần hoàn. Những nội dung mới, chưa rõ thì quy định nguyên tắc, còn lại giao Chính phủ. Bảy là, những Nghị quyết thí điểm và vấn đề thí điểm không nhất thiết phải hết thời gian, nếu vấn đề đã chín, đã rõ, thì có thể áp dụng đại trà. Tám là, không luật hóa các nghị định, thông tư và những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, ví dụ như quy trình, thủ tục nhiều luật vẫn đưa vào, khi cần sửa thì rất lâu; không quy định lại những vấn đề mà các luật khác đã quy định.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, những vấn đề cụ thể, các đại biểu Quốc hội đã tham gia, cho ý kiến và đã chọn được những vấn đề thật sự bức xúc để sửa đổi.
Phân loại danh mục quy hoạch để có “thái độ ứng xử” kịp thời, đúng tầm
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, tinh thần làm luật của Chính phủ là: “xây dựng pháp luật vừa phải quản lý tốt, vừa thông thoáng tạo hành lang cho phát triển, chứ không phải quản không được thì cấm. Đây là tư duy mới xuyên suốt không chỉ trong dự án luật này mà còn nhiều dự án luật khác”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, “tinh thần nữa là trao quyền nhiều hơn cho cơ sở, Quốc hội giao quyền cho Chính phủ, Chính phủ giao quyền cho tỉnh. Quốc hội một năm chỉ họp 2 lần mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi rất nhanh. Nếu không theo kịp thực tiễn đời sống thì sẽ đánh mất cơ hội”.
Liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ, phần lớn các quy hoạch đã được đề cập ở luật chuyên ngành, nhưng có những loại quy hoạch chưa được đề cập ở luật nào thì đề nghị đưa vào dự án Luật lần này để không có khoảng trống về mặt pháp luật.
Đối với quy hoạch ở các địa phương, chúng ta chỉ có một nguồn vốn là đầu tư công, nhưng đầu tư công phải trình Quốc hội. Trong khi đó có rất nhiều loại quy hoạch, nên tỉnh có tiền mà không làm được. Do đó, cần cho phép sử dụng nhiều nguồn tiền khác để làm quy hoạch, tránh tình trạng chậm trễ quy hoạch. Bên cạnh đó, nhiều loại quy hoạch giao cho Chính phủ, nhưng lần này, dự án luật đã giao cho Bộ trưởng.
Về danh mục các loại quy hoạch, dự án Luật cũng phân loại danh mục quy hoạch theo trọng điểm quốc gia, ưu tiên để có “thái độ ứng xử” cho kịp thời, đúng tầm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Ước tính sơ bộ tiết kiệm được 260 ngày trong việc xây dựng thủ tục
Về kế hoạch sử dụng đất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói “xưa nay các địa phương vướng quy hoạch sử dụng đất, có quy hoạch rồi, xây dựng kế hoạch là 1.000 ha, nhưng bỗng nhiên kêu gọi được nhà đầu tư lớn đòi hỏi 2.000 ha đất thì lại bó tay, cho nên cũng phải thay đổi tư duy này”.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, các địa phương rất cần quy định về chấm dứt các dự án treo. Thực tế, có nhà đầu tư năng lực không có, nhưng vẫn tìm cách có được dự án, sau đó chuyển nhượng, đây là sự lãng phí rất lớn. Cho nên phải quy định chặt chẽ hơn để giúp các địa phương chấm dứt các dự án treo. Tuy nhiên quy định như thế nào cho đủ, cho rõ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong các đại biểu Quốc hội có thêm ý kiến.
Về thủ tục đối với các dự án trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, trong dự án Luật đã tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp, ước tính sơ bộ tiết kiệm được 260 ngày.
Đơn cử, trong khu công nghiệp phải bảo đảm các vấn đề như đánh giá tác động môi trường, quy định phòng cháy và thủ tục xây dựng. Việc này cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt cho khu công nghiệp rồi, nhưng có 100 nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp 100 ha, thì mỗi nhà đầu tư thứ cấp lại phải làm đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy và thủ tục xây dựng riêng.
"Rõ ràng, chúng ta đang tạo ra cơ chế xin – cho rất nặng nề, kéo dài thời gian, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đây là việc nên giao cho Ban Quản lý khu công nghiệp đã phê duyệt các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường… thì giờ tiếp tục phê duyệt cho nhà đầu tư thứ cấp trong thời hạn ngắn nhất, để bảo đảm nhà đầu tư thứ cấp không phải “vác hồ sơ chạy lòng vòng các cơ quan từ trung ương đến địa phương”. Đây cũng là bước tiến lớn trong giảm thủ tục phiền hà cho nhà đầu tư thứ cấp", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết.
Phục hồi các hình thức huy động vốn theo BT nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đây là phương thức huy động nguồn lực xã hội cho các dự án. Chúng ta có nhiều phương thức huy động nguồn lực xã hội như: thị trường chứng khoán, BOT, BT (xây dựng - chuyển giao), PPP, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ… Các dự thảo Văn kiện của Đại hội XIV cũng đề cập nhiều đến việc huy động nguồn lực xã hội cho các dự án. Ví dụ đường sắt tốc độ cao, nguồn lực nhà nước là một phần, phải huy động các nguồn lực xã hội, huy động ODA, huy động các nguồn vay khác, huy động trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…
"Chủ trương này rất đúng, nhưng BT đã bị dừng từ năm 2021 do có nhiều vấn đề trong triển khai thực hiện. Nhưng anh nào làm sai thì chúng ta xử, còn phương thức huy động vốn BT vẫn phải duy trì. Lần này Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phục hồi các hình thức huy động vốn theo BT, nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn như đấu thầu công khai, phải định giá đất, xác định giá trị đất, kiểm soát chất lượng công trình khi chuyển giao...", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết.
Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, luật hiện hành chưa quy định về dự án BT không lấy tiền, có những nhà đầu tư muốn làm từ thiện nhưng không có cơ sở pháp luật. "Trong dự án Luật lần này, nếu giao đất cho tôi, tôi không cần đổi đất, không cần thanh toán tiền, tôi xây dựng trường học tặng cho tỉnh có được không thì cũng cần có cơ chế linh hoạt hơn…".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần của Chính phủ trong dự án luật này là thủ tục phải đơn giản nhất có thể. Có ý kiến đại biểu đề nghị, toàn bộ thủ tục, quy trình giao cho Chính phủ quy định để năng động hơn. Đây cũng là một sáng kiến pháp luật và như vậy cũng rất tốt. "Đích hướng đến là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, công khai, minh bạch được trình tự, thủ tục thì cũng bảo đảm xây dựng Chính phủ liêm chính, hạn chế xin - cho, nhũng nhiễu, phòng ngừa tham nhũng. Thủ tục gọn nhẹ chính là chống lãng phí", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.