Bổ sung tiêu chí về loại tội phạm cụ thể
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng 30.10, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ thống nhất với dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự (dự thảo Nghị quyết).
Theo đại biểu, việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết, nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực và đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.
“Những biện pháp thí điểm trong Nghị quyết sẽ hỗ trợ cơ quan tố tụng tăng cường khả năng thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Nghị quyết cũng là bước cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về thu hồi tài sản tham nhũng, tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự trong tương lai”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhìn nhận, đồng thời thể hiện sự thống nhất cao việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm này.
Góp ý cụ thể, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, Điều 1 dự thảo Nghị quyết giới hạn phạm vi áp dụng thí điểm vào các giai đoạn từ khởi tố đến xét xử đối với những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đây là bước đầu cần thiết để xử lý nhanh chóng, hiệu quả những vụ việc có tính chất phức tạp.
Tuy nhiên, để các cơ quan thực thi có căn cứ áp dụng nhất quán, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung tiêu chí về loại tội phạm cụ thể, đặc biệt là các tội phạm kinh tế và tham nhũng có tính nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này giúp định hướng rõ ràng và phù hợp với thực tiễn xử lý các vụ án có quy mô lớn và mức độ ảnh hưởng cao.
ĐBQH Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) bổ sung, theo Báo cáo Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, dự thảo Nghị quyết thiên về vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tức là các vụ án kinh tế, trong khi nội hàm các “vụ án hình sự” có nhiều loại.
Theo đại biểu, thực tế có rất nhiều khó khăn trong giải quyết các vụ án hình sự khác, từ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm, đến việc các vụ án trong quá trình làm phải tạm đình chỉ, đình chỉ, thì những vấn đề liên quan đến vật chứng cũng phải giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đại biểu dẫn chứng, theo điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, “vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao ngay cho cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng không có thẩm quyền xử lý loại vật chứng trên, mà thẩm quyền xử lý thuộc về các cơ quan chuyên ngành được pháp luật quy định như cơ quan kiểm lâm, cơ quan hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, trong thực tiễn xử lý một số vụ án về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Cơ quan điều tra thu giữ một lượng lớn động vật rừng thuộc loại nguy cấp, quý, hiếm đang còn sống. Quá trình xác minh, thu thập, bảo quản vật chứng, xét thấy việc tạm giữ trong thời gian dài thì số động vật này sẽ chết, nên Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định.
Sau khi có kết quả giám định, căn cứ vào điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã tiến hành bàn giao vật chứng cho cơ quan kiểm lâm để thả toàn bộ số động vật hoang dã đó về lại tự nhiên theo Thông tư số 90/2008/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.
Tuy nhiên, trong quá trình chờ giám định và bàn giao cho cơ quan kiểm lâm, do không có nơi nuôi nhốt nên Cơ quan điều tra phải tự chi trả kinh phí để thuê các cơ sở được cấp phép. Nêu khó khăn, đại biểu đề xuất dự thảo Nghị quyết cần phải tính toán phương án cho nhiều vụ án, theo đúng nội hàm đưa ra.
Cần làm rõ có được phép cầm cố, thế chấp tài sản
Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc thực hiện thí điểm, trong đó nêu rõ phải bảo đảm quyền con người, quyền tài sản và tính minh bạch trong xử lý vật chứng, tài sản. Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đây là yếu tố rất quan trọng, vì các biện pháp thí điểm trong dự thảo Nghị quyết có thể chạm đến quyền lợi cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát để tránh lạm dụng quyền trong quá trình thực thi, bảo đảm quyền của các bên liên quan, đồng thời bảo vệ nguyên tắc bình đẳng và công bằng trong tố tụng.
Về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trong đó đối với biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền, tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định cho phép cơ quan tố tụng trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự ưu tiên khi đáp ứng đủ điều kiện. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận xét, đây là hướng hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của bị hại và giảm bớt thời gian giải quyết vụ án. Dù vậy, cần cân nhắc bổ sung điều kiện kiểm tra chặt chẽ về tính hợp pháp của khoản tiền để tránh rủi ro lạm dụng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan khác trong vụ án.
Đối với biện pháp nộp tiền bảo đảm tại Khoản 2, Điều 3 dự thảo, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, việc cho phép nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ thu giữ, phong tỏa tài sản là cách giải quyết linh hoạt. Nên cân nhắc quy định rõ ràng hơn về quyền sử dụng tài sản sau khi đã nộp tiền bảo đảm, đặc biệt là giới hạn về việc chuyển nhượng hoặc giao dịch tài sản trong giai đoạn này, để tránh khả năng tẩu tán tài sản hoặc giảm giá trị bồi thường về sau.
Đối với biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản qua đấu giá, tại Khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết cho phép chuyển nhượng vật chứng, tài sản bằng cách đấu giá công khai. Cho rằng đây là biện pháp cần thiết để tăng cường khả năng thu hồi tài sản, song đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cân nhắc có quy định chi tiết về tiêu chí và điều kiện áp dụng, tránh trường hợp người bị buộc tội lạm dụng quyền để giải tỏa tài sản và làm giảm hiệu quả thu hồi tài sản.
Khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; trong đó, tại điểm a quy định “quyết định trả lại tiền cho bị hại được gửi cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản tạm giữ hoặc đang thi hành lệnh phong tỏa tài khoản để thực hiện”.
Theo ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang), tổ chức tín dụng bao gồm cả tổ chức tín dụng phi ngân hàng, không có chức năng nhận tiền gửi. Do đó, cần xem xét lại để bảo đảm rõ ràng trong quá trình thực hiện khi nêu “tổ chức tín dụng”, trong khi các quy định sau đó trong dự thảo đều ghi là “ngân hàng thương mại”.
Cũng theo đại biểu Việt Hà, ở khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị định quy định nộp tiền vào để hủy bỏ thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì đối tượng ở đây bao gồm giấy tờ có giá và chứng khoán. Đại biểu băn khoăn việc quản lý, kiểm soát để tránh việc tẩu tán tài sản; đồng thời đề nghị cần nêu rõ việc có được cầm cố thế, chấp tài sản được giao lại đó không.
Ngoài ra, tại điểm a, khoản 3, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định: “Vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan…”.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị làm rõ hơn cụm từ “tổ chức, cá nhân khác có liên quan”, bởi theo đại biểu, đây chính là những người có quyền quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản đó. Khi làm rõ cụm từ này sẽ bảo đảm khi triển khai không có vướng mắc, và không dẫn đến có nhiều quan điểm trong áp dụng pháp luật.