Ông Tarmizi Anuwar, đại diện của Trung tâm Lựa chọn người tiêu dùng có trụ sở tại Washington, cho biết việc Chính phủ cho thấy sự hỗ trợ của họ đối với những cá nhân và doanh nghiệp quan tâm tới R&D vì môi trường sẽ giúp thúc đẩy các sáng kiến và giải pháp thay thế bền vững hơn, chi phí thấp hơn.
Theo ông, ưu đãi thuế không nhất thiết có nghĩa là trợ cấp. Nếu một công ty hoặc khu vực tư nhân đầu tư vào R&D, chính phủ nên miễn thuế hoặc ít nhất là giảm thuế cho họ. Những biện pháp này cần được bổ sung bằng cách giảm bớt các rào cản thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm thay thế cũng như giảm bớt quan liêu, hợp lý hóa các quy trình cấp bằng sáng chế cho các sản phẩm bền vững.
Hiện Malaysia áp dụng một số sáng kiến nhằm hạn chế rác thải nhựa chẳng hạn như lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa và các vật dụng sử dụng một lần trên toàn liên bang và Selangor, cũng như thu phí sử dụng túi nilon ở các bang như Penang, Selangor và Johor.
Bất chấp những biện pháp này, Malaysia vẫn đứng thứ ba toàn cầu về số lượng rác thải nhựa đại dương hàng năm, theo tiết lộ của một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí khoa học Science Advances.
Năm ngoái, chính phủ đã công bố kế hoạch loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh vào năm 2025.