Hướng đến xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân
Trong không khí vui mừng phấn khởi của những ngày đầu Xuân Quý Mão, Báo Đại biểu Nhân dân đã phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ươngPHẠM THỊ THANH TRÀ về những định hướng trọng tâm của ngành nội vụ trong năm 2023 với quyết tâm xây dựng thể chế hướng đến một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân.
Giảm 17 tổng cục, 8 cục và hơn 79 nghìn biên chế
- Năm 2022 khép lại với nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, thưa Bộ trưởng?
- Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và ưu tiên hàng đầu nhằm thể thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Theo đó, toàn ngành đã tập trung nguồn lực để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở tham mưu, đề xuất trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa Trung ương và địa phương.
Nổi bật Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 6 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 8 Nghị định và 2 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 16 Thông tư, 9 văn bản hợp nhất. Bên cạnh đó, đã tập trung thẩm định 26/26 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có 25 Nghị định được ban hành.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền về phương án, lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII; kịp thời đề xuất Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000đ lên 1.800.000đ.
Có thể nói, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ đã có nhiều đổi mới, từng bước hoàn thiện theo hướng thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả hơn, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành nội vụ.
Trong năm 2022, các Bộ, ngành Trung ương đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc Bộ, Tổng cục; giảm 145 vụ/ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, về tinh giản biên chế, đến nay ở các bộ, ngành, địa phương đã giảm 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021). Trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính
- Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số là một nhiệm vụ mới và đã thu được những kết quả tích cực. Bộ trưởng đánh giá vấn đề này ra sao?
- Đây là lĩnh vực rất quan trọng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tạo đột phá chiến lược cho sự phát triển đất nước; việc tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã có đóng góp rất to lớn cho sự phát triển. Minh chứng rõ nhất là kết quả cải cách hành chính trong lĩnh vực Hải quan là một trong bốn yếu tố giúp cho xuất nhập khẩu hàng hóa đến giữa tháng 12.2022 đạt mốc 700 tỷ USD.
Tính đến ngày 30.11.2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện mức độ 4 đạt 98% (chiếm 55,7% tổng số thủ tục hành chính); phối hợp thực hiện tích cực và có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số.
Bộ Nội vụ chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng năm 2021(SIPAS - 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX - 2021) của các bộ, ngành, địa phương; chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37%, tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
- Là tư lệnh ngành nội vụ, Bộ trưởng có kế hoạch cụ thể gì để tiếp tục tạo bước đột phá trong hoạch định chính sách trong năm 2023, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2023, Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó tiếp tục ưu tiên đầu tư toàn diện công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức, xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã và xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm. Thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ…
Đặc biệt, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong năm 2023; xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; tổ chức triển khai chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Cùng với đó, tăng cường hợp tác quốc tế; thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đặc biệt tham gia tích cực các hoạt động hợp tác công vụ các nước khối ASEAN và ASEAN+3.
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao, bỏ qua lợi ích cục bộ, riêng tư để cùng hướng tới những mục tiêu chung của công cuộc cải cách. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đó chắc chắn sẽ tạo chuyển biến rõ rệt cho chế độ công vụ, công chức. Từ đó, xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng và bảo đảm sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện.
- Nhân dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi gắm đến các Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân?
- Trước thềm năm mới - Xuân Quý Mão, thay mặt ngành nội vụ, tôi xin trân trọng gửi tới các đại biểu Quốc hội, cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân những tình cảm thân thiết. Chúc mỗi gia đình, mỗi người dân một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc, năm mới nhiều thắng lợi!
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
CHÍ TUẤN thực hiện