Indonesia với AIPA
Indonesia là một trong 5 thành viên sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967. Cùng với sự ra đời của ASEAN, năm 1974, Hạ viện Indonesia đưa ra ý tưởng thành lập một tổ chức liên nghị viện ở khu vực Đông Nam Á. Qua ba kỳ họp Hội nghị cấp cao của Nghị viện các nước ASEAN (AMP), lần thứ nhất tại Jakarta, Indonesia (8- 11.1.1975), lần thứ hai tại Kuala Lumpur, Malaysia (20 - 23.8.1975) và lần thứ ba tại Manila, Philippines (29.8 - 2.9.1977). Tại kỳ họp này, trưởng đoàn Nghị viện của 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã nhất trí thông qua và ký kết Quy chế AIPO vào ngày 2.9.1977, đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO) với mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các nghị viện thành viên nhằm đạt được những mục tiêu và khát vọng của ASEAN. Như vậy, có thể nói, Indonesia vừa là quốc gia đưa ra ý tưởng đồng thời là quốc gia sáng lập AIPO, tiền thân của AIPA.
Trong suốt 43 năm là thành viên của AIPO và AIPA, Indonesia luôn chứng tỏ là một quốc gia trách nhiệm. Indonesia cũng là nơi đặt trụ sở Ban thư ký AIPA bởi theo quy định, Ban thư ký AIPA sẽ đặt trụ sở tại cùng thành phố với Ban thư ký ASEAN, hiện đang đặt tại Jakarta, Indonesia.
Hội đồng Đại diện Nhân dân (Dewan Perwakilan Rakyat - DPR) còn được gọi là Hạ viện, là một trong 2 cơ quan lập pháp của Indonesia, đại diện cho nhân dân. Hạ viện bao gồm các thành viên của các chính đảng được bầu trực tiếp thông qua tổng tuyển cử. Đại biểu hiện tại của Hạ viện là 575 người thông qua cuộc tổng tuyển cử 2019.
Hội đồng Đại diện Khu vực (Dewan Perwakilan Daerah - DPD) cùng với Hội đồng DPR hợp thành Hội nghị Hiệp thương Nhân dân, đại diện cho các tỉnh. Mỗi tỉnh của Indonesia được bầu 4 đại biểu với nhiệm kỳ 5 năm. Indonesia có tất cả 34 tỉnh nên số đại biểu hiện tại là 136.
Bầu cử
Quy chế bầu cử Nghị viện ở Indonesia được áp dụng từ năm 1955, trải qua vài lần thay đổi, trở thành hệ thống bầu cử hiện nay. Năm 2002, 14 điểm sửa đổi được đưa vào Hiến pháp, trong đó có quy định tất cả các nghị sỹ của cả hai viện được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, phổ thông đầu phiếu trực tiếp trên toàn quốc. Nhờ có sửa đổi quan trọng này mà từ nhiệm kỳ 2004 - 2009, giới quân sự đã phải rời bỏ Nghị viện, trong khi nhiệm kỳ trước đó 1999 - 2004, giới này chiếm 34 ghế trong Nghị viện vì được bổ nhiệm mà không qua bầu cử. Cùng với quy định mới về bầu cử Tổng thống trực tiếp, đây được coi là bước tiến lớn của nền dân chủ Indonesia.
Bầu cử Nghị viện ở Indonesia là bầu cử theo đảng phái. Hệ thống đảng phái của Indonesia hiện nay không cho phép một đảng nào chiếm đa số trong Nghị viện, vì vậy, các đảng lớn thường phải thỏa hiệp với nhau để thành lập chính phủ liên minh. Lần bầu cử Nghị viện gần đây nhất diễn ra vào tháng 4.2019 với 9 chính đảng có ghế trong Nghị viện trong tổng số 38 đảng tham gia tranh cử. Trong đó, thắng lợi lớn nhất thuộc về Đảng Dân chủ Indonesia của Tổng thống Widodo chiếm 129 ghế trong Nghị viện; Đảng Golkar mặc dù đứng thứ hai với 85 ghế nhưng so với nhiệm kỳ trước đã mất 6 ghế. Điều đáng chú ý là ở một đất nước có 87% dân số theo đạo Hồi, các đảng theo xu hướng Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 20% số ghế trong Nghị viện.
Quyền soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp
MPR có quyền soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp 1945. Tuy nhiên, theo quy định, các đại biểu không được đề xuất thay đổi lời nói đầu và hình thức đơn nhất của nhà nước Indonesia đã được ghi trong bản Hiến pháp này.
Đề xuất sửa đổi Hiến pháp có thể được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị nếu được đệ trình bởi tối thiểu 1/3 tổng số thành viên hội nghị. Bất kỳ đề xuất sửa đổi các điều khoản trong Hiến pháp phải được trình dưới dạng văn bản và phải nêu rõ ràng điều khoản nào cần sửa đổi cùng lý do sửa đổi.
Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp được gửi đến lãnh đạo hội nghị. Sau khi nhận được yêu cầu sửa đổi, lãnh đạo MPR sẽ tiến hành các bước kiểm tra liên quan đến số lượng đề xuất và văn bản đề xuất lý do sửa đổi, kéo dài trong vòng 30 ngày. Trong khi kiểm tra, lãnh đạo MPR tổ chức họp với các lãnh đạo đảng phái, liên minh để thảo luận về các yêu cầu sửa đổi.
Nếu đề xuất sửa đổi bị bác bỏ, lãnh đạo MPR sẽ thông báo bằng văn bản cho người đưa ra đề xuất sửa đổi. Trong trường hợp nhận được chấp thuận của lãnh đạo hội nghị, đề xuất sửa đổi cần phải đưa ra bỏ phiếu trong kỳ họp gần nhất của MPR và chỉ được thông qua với sự chấp thuận của tối thiểu 50% cộng một tổng số thành viên hội nghị. Cuộc bỏ phiếu cũng cần tối thiểu 2/3 tổng số thành viên hội nghị có mặt.
Bổ nhiệm Tổng thống và Phó Tổng thống
Hội nghị bổ nhiệm chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống thông qua kết quả bầu cử tại kỳ họp toàn thể của hội nghị. Trước khi cải cách Hiến pháp, MPR là cơ quan bầu Tổng thống và Phó tổng thống tại kỳ họp toàn thể của hội nghị. Nhưng sau khi cải cách, quyền này của MPR bị thu hồi. Quyết định thay đổi này tại lần tu chính Hiến pháp năm 2001 và quy định “Tổng thống và Phó Tổng thống do nhân dân bầu trực tiếp”.
Luận tội và bãi nhiệm Tổng thống hoặc Phó Tổng thống
Theo quy định của Hiến pháp sửa đổi, MPR có quyền bãi nhiệm Tổng thống và Phó Tổng thống trong nhiệm kỳ nếu hai nhân vật này vi phạm quy định của Hiến pháp hoặc luật pháp Indonesia. Quyền bãi nhiệm do Hạ viện đề xuất.
Hội nghị sẽ tổ chức phiên họp toàn thể luận tội Tổng thống hoặc Phó Tổng thống không quá 30 ngày sau khi hội nghị chấp thuận đề nghị của Hạ viện. Sau đó, MPR sẽ gửi yêu cầu luận tội lên Tòa án Hiến pháp điều tra, xét xử và ra quyết định xem Tổng thống hoặc Phó tổng thống có vi phạm các lỗi như phản quốc, tham nhũng, trọng tội khác hoặc hành vi khác có tính chất hình sự nghiêm trọng, hoặc vi phạm đạo đức nghiêm trọng, hoặc không còn đáp ứng điều kiện để thực thi nhiệm vụ Tổng thống, Phó Tổng thống.
Việc nộp yêu cầu của hội nghị lên Tòa án Hiến pháp chỉ được thực hiện khi có sự đồng tình của ít nhất 2/3 tổng số thành viên hội nghị có mặt tại một phiên họp toàn thể với sự tham dự của ít nhất 2/3 tổng số thành viên hội nghị.
Quyết định của Hội nghị về đề nghị luận tội Tổng thống, Phó Tổng thống phải được thực hiện trong một phiên họp toàn thể của MPR với sự tham dự của ít nhất 3/4 tổng số thành viên và đòi hỏi sự chấp thuận của ít nhất 2/3 tổng số thành viên có mặt, sau khi Tổng thống, Phó Tổng thống đã được trao cơ hội để bào chữa trước các phiên họp toàn thể của hội nghị.
Bổ nhiệm Phó Tổng thống thay thế Tổng thống
Trong trường hợp Tổng thống qua đời, từ chức, bị luận tội, hoặc không có khả năng thực hiện quyền hạn của mình, người đó sẽ được thay thế bởi Phó Tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Trong trường hợp khuyết Tổng thống, hội nghị sẽ tổ chức phiên họp toàn thể bổ nhiệm Phó Tổng thống trở thành Tổng thống.
Lựa chọn Phó Tổng thống
Trong trường hợp vị trí Phó Tổng thống bị trống, hội nghị tổ chức một phiên họp trong thời hạn chậm nhất là 60 ngày để bầu ra một Phó Tổng thống từ hai ứng cử viên được đề cử bởi Tổng thống.