Từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá điện tử
D.A, sinh viên một trường đại học tại quận Cầu Giấy chia sẻ: "trước đây đi cafe, đi làm, hay thậm chí là đi học em đều đeo trên cổ chiếc "máy thở", sử dụng như một thói quen. Khi biết đến việc đầu năm 2025 sẽ cấm thuốc lá điện tử, em đã tập hút ít lại từ giữa tháng 12, đến bây giờ bỏ hoàn toàn được 3 ngày rồi, cũng thấy thiêu thiếu nhưng mình tuân thủ pháp luật mà nên em nghĩ rồi sẽ không bị phụ thuộc vào nó nữa."
M.P, học sinh lớp 12 một trường THPT tại quận Hai Bà Trưng cho biết, đã dùng thuốc lá điện tử được hơn một năm. Do bạn bè xung quanh sử dụng nhiều, rồi bảo không độc như thuốc lá nên em cũng không lo lắng gì, coi là một thú vui, lâu dần thành quen. Tuy nhiên, dạo gần đây em thấy thường xuyên khó thở, vận động không được dẻo dai như trước vì hụt hơi. Em đoán là do sử dụng thuốc lá điện tử thường xuyên. Từ đầu năm 2025 em đã bỏ hết vì lo lắng cho sức khoẻ và đọc thấy thông tin bị cấm mua bán và sử dụng, đây cũng là động lực để em bỏ thuốc.
T.L sinh viên năm 3 tại trường đại học trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, nhóm bạn thân ai cũng dùng thuốc lá điện tử. Tác hại của thuốc lá truyền thống thì đều biết, nhưng tác hại của thuốc lá điện tử các bạn cứ lờ đi. Năm trước trong nhóm có bạn đi khám sức khoẻ, bác sĩ đã cảnh báo suy giảm chức năng phổi và yêu cầu bỏ ngay thuốc lá điện tử, lúc này nhóm mới bắt đầu sợ.
"Quy định cấm sử dụng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tạo một lý do chính đáng giúp giới trẻ chúng em rời xa được thứ thói quen gây hại này", T.L khẳng định.
Người sử dụng, buôn bán thuốc lá điện tử, ‘bóng cười’ sẽ bị xử lý ra sao?
Ngày 30.11.2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Trong Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, đồng thời minh chứng rằng tiếng nói của trẻ em đã được lắng nghe, nguyện vọng chính đáng của các em về môi trường không khói thuốc đang thành hiện thực.
Theo các chuyên gia, nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá thông thường. Một số loại thuốc lá điện tử có chứa lượng nicotine tương đương một bao (20 điếu) thuốc lá truyền thống. Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây bệnh lý đường hô hấp: Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn; Tràn khí màng phổi nguyên phát; Suy giảm chức năng phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong.
Người vi phạm liên quan đến bóng cười và thuốc lá điện tử có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, tùy theo mức độ vi phạm, cụ thể:
Xử phạt hành chính: Nếu bóng cười có chứa chất ma túy, người sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính người sử dụng chất ma túy trái phép có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Nếu người sử dụng bóng cười có hành vi liên quan đến sản xuất, buôn bán, tàng trữ, hoặc vận chuyển bóng cười (hoặc các chất cấm khác), sẽ bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm theo các quy định hiện hành.
Tương tự, thuốc lá điện tử cũng được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Do đó, người thực hiện hành vi buôn bán thuốc lá điện tử (thuộc danh mục hàng cấm) nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính.
Mức phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm.
Về xử lý hình sự, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 3 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm, tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân (doanh nghiệp hoặc tổ chức), nếu phạm tội, sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm. Các tổ chức có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, an ninh trật tự, môi trường, hoặc không có khả năng khắc phục hậu quả.