Sẵn sàng giải ngân ngay khi có khối lượng
Năm 2025, Khánh Hòa được Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng 10%; tỉnh phấn đấu tăng trưởng từ 10 - 10,5%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, ưu tiên các dự án đã hoàn thành hoặc chuyển tiếp, đặc biệt là các công trình có tầm ảnh hưởng lớn. Sau kỳ nghỉ Tết, trên các công trường, nhà thầu nhanh chóng bố trí trang thiết bị máy móc, nhân lực tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Là cơ quan kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân “từ sớm từ xa”. Một mặt, KBNN tỉnh Khánh Hòa vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, luôn sẵn sàng giải ngân vốn đầu tư công ngay khi có khối lượng hoàn thành, tuyệt đối không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; tất cả vướng mắc (nếu có) được giải đáp kịp thời, rõ ràng... Nhờ đó, trong tháng 1.2025 - dù rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán song giải ngân vốn đầu tư công qua KBNN tỉnh Khánh Hòa đạt 116 tỷ đồng, bằng 1,6% kế hoạch vốn phân bổ.

Nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, KBNN tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung kiểm soát, thanh toán kịp thời đối với các dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, KBNN Nam Định đã áp dụng triệt để phương thức thanh toán trước, kiểm tra sau để đưa nguồn vốn kịp thời đến với các dự án, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm. Cùng với đó, áp dụng triệt để việc tiếp nhận hồ sơ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến để tạo sự công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian đi lại cho các chủ đầu tư.
Đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến
Ngày 18.2 vừa qua, Thủ tướng ban hành Công điện số 16/CĐ-TTg đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, trong đó nhấn mạnh: kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.
Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng giao, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo KBNN kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư; công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án. Cùng với đó, kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh toán, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trên Tabmis theo đúng quy định.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách năm 2025. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm bảo đảm điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Bộ cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi KBNN kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Lãnh đạo KBNN cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính, hệ thống KBNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tiến độ, góp phần đạt mục giải ngân trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.