Hội nghị được tổ chức trong thời gian diễn ra chuỗi sự kiện thuộc chương trình Hội nghị tiểu ban khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) thuộc Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) năm 2025 tại Quảng Nam, Việt Nam do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng cai tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 2 năm 2025.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá tình hình thị trường chứng khoán của Việt Nam và đề ra những định hướng chiến lược và trọng tâm phát triển thị trường trong năm 2025, đồng thời tạo không gian để chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học trong quản lý, vận hành thị trường chứng khoán và cùng thảo luận những chủ đề mang tính toàn cầu hiện nay, như các thách thức trong quản lý tài sản số và tài chính bền vững và thực hành ESG.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dù chịu nhiều tác động từ tình hình chung của toàn cầu, song thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua duy trì ổn định, an toàn, thông suốt, thanh khoản tốt và tính minh bạch, bền vững được tăng cường.
Cùng với đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặc biệt chú trọng. Không chỉ làm tốt về công tác quản lý, điều hành, giám sát, năm qua, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, điển hình là Luật Chứng khoán sửa đổi đã được ban hành. Các văn bản hướng dẫn luật hiện đang được đẩy nhanh hoàn thiện để tiếp tục “tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp” và các quy định tiệm cận các thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất chủ động và nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn của thị trường giúp nâng cao khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nỗ lực cao nhất để hoàn thiện các tiêu chí để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đặt quyết tâm tăng trưởng GDP năm 2025 là tối thiểu từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 – 2030. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% của năm 2025, bên cạnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, thì huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi cho tăng trưởng của Việt Nam. Và để đạt được điều đó, Việt Nam cần nguồn vốn hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ USD – đây là một con số rất lớn. Do vậy, bên cạnh những nguồn vốn chuẩn bị từ ngân sách nhà nước, thì thị trường vốn là kênh huy động rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2025 là năm vừa phải phát triển nhanh, thiết lập nền tảng cho giai đoạn 2026 – 2030, nhưng vẫn phải bảo đảm tăng trưởng bền vững. Để vượt qua những thách thức rất lớn, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, đòi hỏi không chỉ sự quyết liệt và hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mà còn cần có sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan đối tác trong khu vực và quốc tế, các tổ chức quốc tế và sự đồng lòng chung sức của các thành viên thị trường để huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế.
“Trong thời gian tới, ngoài các giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề ra, Hội nghị ngày hôm nay có sự tham dự đầy đủ của các cơ quan quản lý đối tác là thành viên của Tiểu ban Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IOSCO, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, các thành viên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là cơ hội rất thuận lợi để chúng ta cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học quý báu trong quản lý, vận hành lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Chủ tịch APRC, Tổng giám đốc điều hành SFC Julia Leung cho biết nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2025, trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. “Việt Nam sẽ có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng này, với nền kinh tế dự báo đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay, nằm trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trong các thị trường tài chính toàn cầu thông qua việc tăng cường kết nối với dòng vốn quốc tế nhờ hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Julia nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải đã trình bày về tổng quan tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam, mục tiêu và giải pháp phát triển trong năm 2025. Tiếp đó, hai phiên thảo luận diễn ra, tập trung vào các chủ đề: Những thách thức về quy định quản lý tài sản số; Công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững và sự đồng nhất trong khu vực về các yêu cầu công bố thông tin.