Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và dự thảo tờ trình Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của đơn vị, cá nhân.
- Sửa đổi Nghị định số 99: Thể chế hóa chủ trương, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tự chủ đại học
- GS.TS Trần Văn Chứ: "Nên bỏ cơ quan chủ quản để Hội đồng trường thể hiện rõ vai trò"
- Hội đồng trường phải có thực quyền
- Nâng cao năng lực và quyền lực thực sự của hội đồng trường
- Cần giải quyết vướng mắc quyền lực giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng
GS.TS Trần Đức Viên nhận định: Bản dự thảo lần này chủ yếu tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 để có một Nghị định 99 “mới” chặt chẽ hơn, khả thi hơn, tạo động lực cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học.
Cụ thể là một số điểm, Khoản của các Điều có liên quan đến việc thành lập đại học; quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập; hợp tác và đầu tư với nước ngoài; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục…
Theo GS.TS Trần Đức Viên, có lẽ việc đầu tiên là ban soạn thảo nên cho biết rõ lý do cần sửa chữa, bổ sung những điều, khoản sửa mới (cơ sở khoa học và thực tiễn của việc thêm, bớt), và đã sửa chữa, bổ sung như thế nào; hạn chế tối đa các từ chưa đủ rõ nghĩa hoặc đa nghĩa, đảm bảo ai đọc cũng có thể hiểu đúng và hiểu đủ, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Ví dụ, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 8 “Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo khi bảo đảm ít nhất 05 ngành đào tạo trình độ đại học và 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc 02 lĩnh vực đào tạo có chuyên môn gần nhau và có ít ngành được đào tạo trong nước”; “phải có sự đồng ý” ở đây tất dễ tạo lập cơ chế xin - cho.
Theo tôi, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố (hàng năm hoặc vài năm một lần, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể theo từng giai đoạn phát triển của giáo dục đại học) lĩnh vực hoặc trình độ nào là “đặc thù”, cũng như thế nào là lĩnh vực đào tạo có chuyên môn “gần nhau”, và thế nào là “ít ngành” được đào tạo trong nước.
Tránh “háo danh” khi lên Đại học
GS.TS Trần Đức Viên cho biết, về việc chuyển từ “trường đại học” thành “đại học” nên tránh khuynh hướng háo danh, vì cùng với các tính toán về mặt số lượng (ít nhất 5 trường, ít nhất 3 trường, qui mô đào tạo trên 15.000 sinh viên,…) cũng nên làm rõ quyền lợi và trách nhiệm khi trường đại học được “nâng cấp” lên thành đại học. Nếu không, vấn đề chỉ còn là “câu chuyện” danh xưng.
Cũng nên làm rõ “Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học…” các cơ sở giáo dục (CSGD) công có được liên kết với các CSGD tư để thành Đại học hay không? Lý do? thủ tục “nâng tầm” có gì khác với hình thức liên kết công với công, tư với tư?
Cần làm rõ một người có thể đảm nhiệm cùng lúc cả 3 chức vụ Chủ tịch, Giám đốc, Bí thư?
GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, nên xem xét lại việc sửa chữa, bổ sung điểm d khoản 1 Điều7 “Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học”, đoạn này viết không rõ nghĩa, dễ sinh hiểu lầm. Bởi nếu đúng như vậy, sẽ làm giảm đáng kể quyền tự chủ của CSGD và tăng thực trạng “cầm tay chỉ việc” của cơ quan chủ quản.
“Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học” cũng vậy, nên làm rõ khi nào thì “sử dụng hội nghị toàn thể”, khi nào thì sử dụng “hội nghị đại biểu”; nếu không, dễ sinh tùy tiện và phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đứng đầu (hiệu trưởng hay bí thư đảng ủy) theo hướng có lợi nhất cho họ, chứ không phải theo hướng có lợi nhất cho CSGD đại học, đồng thời làm giảm hiệu lực của việc phát huy sức mạnh của qui chế dân chủ cơ sở trong CSGD đại học.
“Thời hạn thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của quyền chủ tịch hội đồng trường (HĐT) (hoặc phụ trách HĐT) tối đa không quá 12 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận”, cũng cần được làm rõ, nhân sự đó có thể được bổ nhiệm/công nhận lại thêm lần nữa không (sau 12 tháng cơ quan chủ quản lại công nhận tiếp), hay chỉ được công nhận duy nhất 1 lần.
Điều 9 cũng cần được làm rõ cơ sở khoa học của các đại học, một người có thể đảm nhiệm cùng lúc cả 3 chức vụ chủ tịch, giám đốc, bí thư, trong khi các trường đại học thì không thể (chủ tịch Hội đồng trường không được đảm nhiệm các chức vụ chính quyền). Việc này cần làm rõ, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy hiệu quả công tác, hiệu lực quản trị, năng suất lao động (KPIs) làm thước đo duy nhất để đánh giá, xếp hạng các CSGD theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với môi trường sư phạm “cận thị trường” (quasi market) của GD ĐH.
Tự chủ toàn diện hay tự chủ từng phần?
Theo GS.TS Trần Đức Viên, cũng cần làm rõ thêm “cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ hoặc không còn đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định…” (Các điều kiện để thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018) cụ thể như sau:
(1) Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng đại học; đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;
(2) Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định;
(3) Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học;
(4) Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật).
GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, nên chăng, Nghị định cũng nên thêm 1 điều về các CSGD ĐH tự chủ toàn diện hay tự chủ từng phần, có quyền được không tự chủ (không toàn diện hay không tự chủ từng phần, ví dụ như không tự chủ về tài chính và tài sản chẳng hạn) hay không? Tự chủ đại học trước hết nên là quá trình tự nguyện của các CSGD, không nên gò ép, không nên “phong trào”.
Để thấy được các CSGD tự chủ “được” gì, “mất” gì sau thời gian được “tự chủ”, từ đó có chính sách phù hợp để Giáo dục đại học Việt Nam phát triển như mong đợi của xã hội.
Chính phủ cũng nên giao cho một cơ quan nghiên cứu độc lập tiến hành khảo sát về những cái "được - mất” của CSGD đại học tự chủ, đảm bảo kết quả khảo sát, nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu này minh bạch, khách quan, trung thực, có mức độ tin cậy cao, được xã hội “tâm phục, khẩu phục”.
Đồng thời, cũng cần có qui định để đẩy mạnh tự kiểm định, tự công bố kết quả tự kiểm định, xem đây là một tiêu chí quan trọng để xếp hạng/phân loại cơ sở giáo dục đại học đồng thời với việc tăng cường kiểm định ngoài, kiểm định độc lập theo như những cách mà các trường ĐH tiên tiến trên thế giới đang làm.
GS.TS Trần Đức Viên mong muốn sẽ sớm có một Nghị định 99 “mới” đủ sức tiếp thêm động lực và tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển của nền Giáo dục đại học Việt Nam.