Phát phiếu điều tra để thu thập thông tin, lấy ý kiến đánh giá
Để nâng cao hiệu quả chức năng giám sát, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND các địa phương đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát. Điển hình, ngoài các nội dung chuyên đề giám sát theo kế hoạch, các cơ quan của HĐND tỉnh Hải Dương đã tổ chức 9 cuộc giám sát đột xuất, tập trung vào các vấn đề “nóng”, “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: tình hình thu tiền sử dụng đất của các dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực trạng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hoạt động tự chủ tài chính của các cơ sở y tế công lập...
Trên cơ sở kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh phụ trách lĩnh vực phát phiếu điều tra để thu thập thông tin, lấy ý kiến đánh giá của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân; phối hợp với Đài PTTH tỉnh xây dựng phóng sự chuyên đề phục vụ phiên chất vấn, giải trình (khi cần thiết), đồng thời tuyên truyền trên kênh truyền hình của tỉnh. Quá trình giám sát, khảo sát đều được ghi hình, quay clip, chụp ảnh. Sau khi có báo cáo dự thảo kết luận giám sát đã khẩn trương làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn dưới hình thức tọa đàm, giải trình. Tại buổi làm việc, các đánh giá, nhận xét đều được minh họa bằng hình ảnh rõ nét, có tính thuyết phục cao.
Đối với HĐND tỉnh Quảng Ninh, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trực tuyến trên các hạ tầng công nghệ thông tin, Fanpage của Trung tâm truyền thông tỉnh, để kết hợp tương tác hiệu quả giữa chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và câu hỏi chất vấn trực tiếp của cử tri, Nhân dân. Các phiên chất vấn đã thu hút hơn 11.000 lượt xem; 1.500 lượt like; gần 700 bình luận và 300 lượt chia sẻ. Cách làm này cho thấy HĐND và đại biểu HĐND tỉnh không né tránh các vấn đề “nóng”, phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội, tạo nên không khí phiên chất vấn dân chủ, mang tính xây dựng cao, đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và đời sống thực tiễn ở địa phương, cơ sở.
Tái giám sát việcthực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, việc tăng cường tái giám sát thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát trên cơ sở Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 cũng được các địa phương tích cực thực hiện. Điển hình, Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 2 cuộc giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị qua giám sát, giải trình, chất vấn. Qua đó, không chỉ giúp HĐND nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát mà còn giúp UBND tỉnh đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ngành phụ trách và đánh giá tính hiệu quả, khả thi của các quy định, các chỉ đạo, giải pháp thực hiện trong thực tế từ phản ánh của cơ sở. Qua đó, đối chiếu, điều chỉnh phù hợp hơn giúp ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trên cơ sở Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức phiên giải trình, giám sát kết quả thực hiện một số kiến nghị tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV. Chuẩn bị cho phiên giám sát - giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát, Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Đoàn giám sát tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương và xây dựng báo cáo kết quả khảo sát bằng hình ảnh. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giám sát, các đại biểu đã trao đổi thêm một số nội dung thông qua giám sát. Ngay sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên giải trình và Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc tiếp thu, quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị với hệ thống giải pháp tương đối toàn diện, đồng bộ.