Kỳ án - vụ án hai thế kỷ - án oan có một không hai trong lịch sử tố tụng… là những từ mà dư luận dùng khi nói về vụ án này. Và cũng chỉ chừng đó thôi đã đủ nói lên cái giá của sự thật, của sự công bằng “đắt” như thế nào. Có thể vì cả yếu tố khách quan và chủ quan mà trong quá trình tố tụng sai sót dẫn tới oan sai. Nhưng cũng không cần tới gần 18 năm để giải quyết một vụ việc. Sự cẩn trọng là cần thiết và việc lấp các lỗ hổng về pháp lý cũng hết sức quan trọng.
Đến thời điểm này, việc nhắc đến những tình tiết liên quan đến vụ án là thừa. Nhưng khoảng thời gian gần 18 năm tù tội mà một người phải gánh chịu; sự quyết tâm đeo đuổi đến tận cùng sự thật nhằm minh oan cho ông Nén của những người thân trong gia đình cũng như của các cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí là điều không thể không nhắc tới. Bởi chính họ mới là những người trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp các chứng cứ ngoại phạm cho các cơ quan chức năng. Và cũng bởi sự nỗ lực không mệt mỏi của họ mà vụ việc không bị “chìm xuồng” để cuối cùng mới có được một cái kết có hậu nhưng không ai mong muốn.
Những bi kịch mà ông Huỳnh Văn Nén phải gánh chịu bắt đầu từ các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận, từ những cá nhân trực tiếp tham gia điều tra, xét xử vụ án này. Đó cũng có thể bắt nguồn từ bệnh thành tích rằng vụ án đã được điều tra, khám phá và đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Nhưng chính sự sơ suất, hoặc bệnh thành tích đã đẩy số phận một con người, một gia đình, một dòng họ, thậm chí nhiều thế hệ sau vào bi kịch, bế tắc, mất niềm tin vào công lý.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện một số thủ tục nữa, vụ án mới có thể chính thức khép lại. Và một trong những việc đó là phải làm rõ cá nhân, cơ quan nào đã gây ra oan sai và khi đã làm rõ sẽ bị xử lý như thế nào? Đó là điều dư luận đặc biệt quan tâm, bởi chỉ khi điều này được thực hiện thì công lý mới có thể thực thi và thực thi một cách công bằng.
Ngành tư pháp đang quyết liệt thực hiện cải cách nhằm hướng tới việc điều tra truy tố, xét xử, thi hành án; việc bắt giam, giữ, cải tạo từng bước được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng, hạn chế tình trạng oan, sai. Tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XIII mới đây cũng đã thông qua Luật Tạm giữ, tạm giam, trong đó quy định các trại tạm giam, tạm giữ độc lập, không trực thuộc cơ quan điều tra. Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cũng đã bãi bỏ quy định luật sư muốn bào chữa cho bị can, bị cáo phải được cấp phép. Minh oan được cho người vô tội là điều tốt. Nhưng sẽ tốt hơn là không để ai bị hàm oan, và đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, bao gồm cả xây dựng luật và thực thi pháp luật.