Đây là một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều qua.
Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016 - 2021, Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đều bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Việc ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn đã chủ động xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản, mua sắm trang thiết bị… theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, từ thực tiễn làm việc, Tổ công tác của Đoàn giám sát chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên tại Đắk Lắk. Cụ thể, còn nhiều vi phạm trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đòi hỏi các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc. Thực tế đã phát hiện 6 tổ chức kinh tế sử dụng đất sai mục đích sử dụng đất được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích là 228 ha. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép, chưa được xử lý dứt điểm; còn tình trạng một số doanh nghiệp tiếp tục khai thác khoáng sản khi giấy phép hết hạn.
Hay trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, tình hình khai thác, chế biến, vận chuyển gỗ trái phép còn tiếp diễn ở một số địa bàn là “điểm nóng” và “đầu nậu” khai thác gỗ trái phép. Trong khi đó, việc điều tra, xử lý các "đầu nậu" phá rừng, khai thác, mua bán vận chuyển gỗ, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép chưa triệt để. Một số dự án chưa bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đủ mạnh theo phương án được duyệt; rừng trồng bị xâm canh, lấn chiếm trái phép; một số dự án vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai dẫn đến bị thu hồi…
9.788 đơn vị vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, thời gian qua các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã chú trọng nhiều đến công tác thanh tra việc xử lý các đối tượng “lâm tặc”, “đầu nậu" nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, ngăn ngừa lãng phí, thực hiện tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong mọi lĩnh vực. Trong giai đoạn năm 2016 - 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thanh tra, các sở, ban ngành, địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Hiện tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành 7.515 cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế - xã hội, trong đó có lồng ghép các nội dung liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra đã hoàn thành là 7.266 cuộc (đạt tỷ lệ 96,7%), với 36.243 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát hiện 9.788 đơn vị (chiếm tỷ lệ 27%) có vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, với tổng giá trị tiền, tài sản bị lãng phí, sử dụng sai chế độ là 300.455 triệu đồng; đã xử lý, thu hồi được 118.981 triệu đồng. Riêng với khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sảng, giai đoạn 2016 - 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cùng lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 130 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng; truy thu giá trị bằng tiền đối với khối lượng khoáng sản khai thác trái phép với số tiền hơn 1,07 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động khai thác 20 mỏ khoáng sản do không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, thu hồi 9 giấy phép khai thác khoáng sản do vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Đánh giá cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra của Đắk Lắk, Đoàn giám sát nhận thấy, qua công tác này đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những khuyết điểm, hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan tới công tác triển khai các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác này trên địa bàn. Đồng thời, phát huy vai trò làm chủ của công chức, viên chức và người lao động trong việc phát hiện tố cáo hành vi lãng phí và giám sát thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tại địa phương.
Dẫu vậy, theo ĐBQH Đinh Việt Dũng (Ninh Bình), công tác thanh tra, kiểm tra mới chủ yếu lồng ghép với thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra không tách riêng được số liệu về tiết kiệm, lãng phí. Thậm chí, trong giai đoạn 2016-2021, thanh tra chưa tổ chức thanh tra chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 73 của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, mặc dù không phát sinh việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương trong giai đoạn 2016 - 2021, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội lưu ý: “Nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nêu rõ giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung rất quan trọng, được Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường cho biết, làm việc với các địa phương là cơ sở để Đoàn giám sát nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, luận cứ xác đáng, đánh giá một cách toàn diện, khách quan về việc thực hiện pháp luật trong công tác này trên cả nước. Qua đó, đưa ra những giải pháp “đúng” và “trúng” nhằm đôn đốc, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm chính trị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành văn hóa từ trong những việc nhỏ nhất.