Quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá
- Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số tồn tại của Luật hiện hành. Xin ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới này?
-Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, dự thảo Luật đã đưa ra những quy định cụ thể và chi tiết. Các ĐBQH dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề bình ổn giá và danh mục dịch vụ, hàng hóa do nhà nước định giá. Vấn đề liên quan đến thẩm định giá của Nhà nước cũng được chú trọng khi gần đây xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc tổ chức định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Nhiều cá nhân, hội đồng thẩm định giá đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự.
Có thể nói, trước khi sửa đổi, dự thảo Luật Giá đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí, trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, phương pháp định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá cần rà soát kỹ lưỡng, phù hợp với các luật chuyên ngành; đồng thời có ý kiến chi tiết về một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật Giá lần này đã có nhiều điểm mới như loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, dự thảo đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư.
- Trên thực tế nhiều giá dịch vụ ghi một đằng nhưng định giá một nẻo, định giá tuỳ tiện. Vậy dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này có khắc phục được tình trạng này không, thưa ông?
-Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều trường hợp “giá một đằng nhưng định giá một nẻo", gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề đầu tư công. Trên thị trường, giá về thiết bị vật tư y tế, lương thực, thực phẩm biến động liên tục nhưng luật hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến chưa có khung khổ cụ thể, quy định định giá còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các địa phương, cơ quan, tổ chức khi làm việc.
Do vậy, đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn các danh mục về định giá; bổ sung Phụ lục 1 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá bảo đảm tính công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng giao quyền cho cơ quan định giá và hội đồng thẩm định giá khảo sát, đánh giá đầy đủ; từ đó chủ động ứng phó với sự biến đổi của thị trường, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thẩm định viên về giá
- Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thời gian qua đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có lấp được “khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá sát thực tế không, thưa ông?
-Thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa. Tuy vậy, gần đây xảy ra nhiều trường hợp thẩm định viên và tổ chức thẩm định lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan, dẫn đến bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
Nhận diện được thực trạng này, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thẩm định viên về giá, siết chặt điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp, tạo hàng rào kỹ thuật ngăn tiêu cực từ một lĩnh vực tương đối nhạy cảm, giúp vấn đề định giá tài sản của nhà nước được minh bạch, chủ động và linh hoạt hơn.
- Sau những sai phạm còn tồn tại, các tổ chức tư vấn định giá ngần ngại định giá các tài sản công gây ra nhiều ách tắc... Dự thảo lần này có quy định nào để bảo vệ những người làm định giá cũng như công cụ định giá, thưa ông?
Sợ rủi ro liên quan đến pháp luật nên gần đây nhiều hội đồng định giá, cơ quan thẩm định giá có tâm lý e ngại, dẫn đến việc thực hiện các thủ tục như thẩm định; xác định giá khởi điểm bị chậm trễ. Một số địa phương tổ chức đấu giá do thận trọng, cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện. Nhiều đơn vị còn thẳng thừng từ chối tham gia xác định giá đất, định giá các tài sản công của nhà nước…
Nhằm khắc phục trường hợp này, đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Đồng thời, bổ sung 2 điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định giá. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng thẩm định giá, thành viên Hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên không chỉ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, mà còn giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng chưa thể quy định cụ thể vấn đề này nên nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động định giá, thẩm định giá còn nhiều e ngại. Chúng tôi đang kiến nghị, mong muốn các điều khoản của dự thảo sẽ rõ ràng, minh bạch và đầy đủ hơn để các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn ông!