Ba kết quả quan trọng
- Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã khép lại, ông nhận xét gì về hội nghị lần này?
- Ở góc độ của người làm công tác nghiên cứu tại địa phương, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị lần này và thực sự hài lòng với kết quả của hội nghị. Theo tôi, có 3 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, hội nghị là kênh để Quốc hội, Chính phủ nắm bắt được nhu cầu ở cấp bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thông qua những kiến nghị, đề xuất được nêu rất cụ thể. Thứ hai, thông qua hội nghị đã rút ngắn được khoảng cách từ luật, nghị quyết của Quốc hội đến khâu thực thi, bởi tiếng nói của địa phương, doanh nghiệp đến trực tiếp tới Chính phủ, Quốc hội, qua đó giúp cho quá trình thiết kế văn bản dưới luật được phù hợp và đẩy nhanh hơn.
Ba là, các bộ, ngành đang xây dựng văn bản dưới luật, đặc biệt là nhóm luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Trong bối cảnh đó, hội nghị tạo động lực và sức ép để công tác soạn thảo văn bản dưới luật phải bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trước đây, lý do thường được nhắc đến để lý giải cho việc có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo là bởi thời điểm ban hành các luật khác nhau. Nhưng với 3 luật này được ban hành gần như cùng một thời điểm thì không cớ gì để có mâu thuẫn, chồng chéo!
Tôi cũng rất ấn tượng với việc tại hội nghị này, Quốc hội đã rà soát, tổng hợp về các điểm mới, nội dung trọng tâm của các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống kê rất cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng tổ chức, đơn vị, cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết các luật và nghị quyết.
Điều này thực sự rất kỳ công, cho thấy những người làm luật đã nắm bắt rất rõ những gì mình đã quyết; biết rất rõ những gì mà Nhân dân cần để mình đưa ra quyết định; biết rất rõ những việc cần phải làm để đưa các luật vào cuộc sống và đặc biệt là biết rất rõ những điểm mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với việc liệt kê cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng đơn vị này sẽ là cơ sở để bảo đảm cho việc triển khai các luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống!
Địa phương phải coi đây là cơ hội để tháo gỡ điểm nghẽn
- Việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội là khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian không còn nhiều. Vậy theo ông, cần lưu ý gì để vừa bảo đảm tiến độ vừa bảo đảm chất lượng, tuyệt đối tránh chồng chéo, điểm nghẽn như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận hội nghị?
- Tôi rất tán thành chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu kết luận hội nghị, rằng khi soạn thảo và ban hành các văn bản quy định chi tiết, “tuyệt đối không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, giấy phép con trái quy định trong tổ chức thực hiện”. Cùng với bảo đảm tiến độ thì đây là yêu cầu tối quan trọng và cần phải được quán triệt sâu sắc tới tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Để tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành, Quốc hội và Chính phủ xem xét thành lập tổ giám sát độc lập (bao gồm Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM và Viện Nghiên cứu lập pháp) để cùng rà soát ngay từ quá trình soạn thảo, và cần làm ngay, qua đó sẽ kịp thời phát hiện, xử lý.
Có được văn bản chất lượng là rất quan trọng, song quan trọng không kém là khâu thực thi. Do vậy, công tác giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần được tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, Quốc hội nên thiết kế kênh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc gặp phải trong thi hành luật, có thể là giao cho Văn phòng Quốc hội. Kênh này hoạt động song song với việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Quốc hội kịp thời nắm bắt thực tiễn và điều chỉnh pháp luật có liên quan.
- Cũng trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách “Luật Đất đai - Hỏi và Đáp” nhằm đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Ông nghĩ sao?
- Luật Đất đai 2024 là luật đặc biệt quan trọng, như lời Chủ tịch Quốc hội thì tầm quan trọng chỉ sau Hiến pháp. Luật cũng có rất nhiều điểm mới. Do vậy, việc ban hành cuốn sách này là rất cần thiết và cần sớm hoàn thiện để người dân, doanh nghiệp nắm rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình. Song, tôi cho rằng không chỉ với Luật Đất đai mà Quốc hội cùng Chính phủ cần nghiên cứu để biên soạn, xuất bản sách hỏi đáp pháp luật cho các luật khác, nhất là các luật liên quan đến sản xuất kinh doanh.
- Để triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, vai trò của các địa phương rất quan trọng. Vậy theo ông, các địa phương cần lưu ý gì?
- Các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại hội nghị lần này cũng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về phân cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 về cải thiện môi trường kinh doanh.
Nếu như trước đây, các địa phương gặp nhiều rào cản về mặt thể chế chưa đồng nhất thì bây giờ, với một loạt luật mới ban hành, phải tạo được cách hiểu thống nhất và không gây khó cho doanh nghiệp. Các địa phương cần coi đây là cơ hội quan trọng, là thời điểm để tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế, vì thế cần phải nhanh chóng rà soát, kịp thời sửa đổi các quy định trong thẩm quyền với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp - đây phải là quan điểm xuyên suốt của tất cả các địa phương!
- Xin cảm ơn ông!