Tiết kiệm nhân lực, vật lực trong quá trình quản lý vật chứng
Đánh giá sự cấp thiết dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, ĐBQH Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, việc ban hành nghị quyết rất cần thiết bởi công an thành phố đang hàng ngày, hàng giờ phải quản lý, xử lý khối lượng vật chứng rất lớn, có những vật chứng từ nhiều năm nay gây lãng phí. Theo đại biểu, lãng phí thứ nhất từ chính giá trị tài sản của vật chứng, bởi có những tài sản để lâu quá, mất giá trị. Trong khi đó, không thanh lý được, hủy không được, phải trông giữ rất lãng phí. Lãng phí thứ hai là công an thành phố phải có kho vật chứng chung, các quận, huyện phải có kho vật chứng của cơ quan điều tra cấp quận, huyện. Trong chương trình cải cách tư pháp, thành phố phải có kho vật chứng cả về hình sự, dân sự nhưng chưa có kho hoặc có nhưng không đáp ứng về diện tích, tiêu chuẩn.
Giám đốc Công an thành phố cũng cho rằng, còn một lãng phí nữa đó là phải bố trí người trông coi kho vật chứng bởi theo quy định, việc quản lý trông coi là công an, xử lý tài sản lại là tòa án. “Mới đây, chúng tôi đã nhận mấy chục tấn đất hiếm trong một vụ án nhưng phải xây nhà tạm để lưu giữ. Dù là nhà tạm nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng, tránh thất thoát. Trong khi đó, để trông coi không chỉ 1, 2 người. Nếu đối chiếu với quy định mới nhất, đây là vấn đề rất vướng mắc, bất cập”, ĐBQH Nguyễn Hải Trung cho biết.
ĐBQH Nguyễn Hải Trung khẳng định, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự rất cần thiết. Tuy vậy, theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết còn quá hẹp, chỉ áp dụng với một số vụ án của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên chưa mang tính đại diện. “Sau khi triển khai thí điểm nghị quyết phải tính toán mở rộng phạm vi điều chỉnh, thậm chí phải ban hành luật. Hơn nữa, thời gian thí điểm 3 năm quá lâu”, ĐBQH Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính đánh giá, nghị quyết này nên được ban hành sớm hơn, bởi quy định hiện hành vô cùng bất cập, gây bất lợi cho bị cáo, bị hại. Theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên, tài sản, thế nhưng cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại là tòa án, thời gian rất lâu, thông thường kéo dài 1 - 2 năm gây hư hỏng vật chứng... ĐBQH Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nếu chỉ thí điểm trong các vụ án tham nhũng thì chưa đầy đủ. Do vậy, không nên chỉ giới hạn ở tội phạm tham nhũng mà nên ở tất cả các vụ án, đặc biệt là tội phạm về sở hữu.
Còn ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhận định, thời gian qua, có trường hợp giám đốc bệnh viện bị bắt giam, máy móc, thiết bị liên quan gần như bị đóng băng, song nhu cầu cần dùng lớn. “Tôi đã chứng kiến nhiều bãi gỗ lớn là tang vật vụ án bị mục nát, nhiều phương tiện vi phạm bị thu giữ, máy móc bị thu giữ bị hư hỏng nặng. Do đó, việc ban hành nghị quyết về xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự là cấp thiết, vấn đề đặt ra là làm sao tổ chức thực hiện cho tốt", ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch
Thảo luận tại Tổ 1 về những nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Phi Thường cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát toàn bộ để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng đến mục tiêu lâu dài. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 1 liên quan đến nội dung nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch, đại biểu đề xuất bổ sung điều khoản chuyển tiếp để giải quyết những trường hợp đang thực hiện dở dang phải thanh toán, quyết toán nội dung “đối với trường hợp đã bố trí nguồn chi phí cho hoạt động quy hoạch và đã thanh toán trước thời điểm Luật có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện bằng nguồn vốn đã bố trí mà không cần phải điều chỉnh”.
Liên quan đến Luật Đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Phi Thường đánh giá đã đến lúc phải xem xét, sửa đổi tổng thể để hoạt động đấu thầu bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa yếu tố giá và chất lượng. Dẫn chứng thời gian qua còn nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, đại biểu đề xuất việc sửa đổi Luật cần hướng đến thực chất, để việc đấu thầu không mang tính hình thức. "Tôi đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng tài sản công cũng như các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên được áp dụng như đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công", ĐBQH Nguyễn Phi Thường kiến nghị.
ĐBQH Tạ Đình Thi đánh giá cao các nội dung trong dự thảo “một Luật sửa bốn Luật” được Chính phủ trình Quốc hội lần này. Trong đó, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Do vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ cấp nào phê duyệt thì cấp đó được phép điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm thống nhất trong quy hoạch và yêu cầu phát triển thực tiễn. Đồng thời, cần giao trách nhiệm cho cấp có thẩm quyền trong điều chỉnh quy hoạch, ví dụ quy hoạch cấp tỉnh giao cho UBND tỉnh.