VFA vừa có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo VFA, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp một số khó khăn. Chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy. Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Giá lúa gạo nội địa tăng, doanh nghiệp thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo dự trữ, gối đầu làm giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nhất là vốn lưu động và hạn mức tín dụng thấp.
Đối với tình hình sản xuất và thương mại gạo sắp tới, VFA dự báo sẽ có nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam cần chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để ứng phó với những diễn biến khó lường của thị trường, VFA đề xuất bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một số cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, lúa hàng hóa tồn kho của các thương nhân theo Nghị định 107. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và 107.
VFA cũng kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho các thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.
Đối với vấn đề sản xuất, VFA cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần đảm bảo chất lượng lúa đầu ra. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thương mại gạo thế giới.