Nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp
Theo thống kê, tại các hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hay tại các kênh phân phối khác như: chợ, cửa hàng tiện lợi... hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên. Điều này cho thấy người dân ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận - sử dụng hàng Việt.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan bên cạnh những sản phẩm của người Việt sản xuất có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn thì vẫn còn có nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng. Một số báo cáo, đánh giá gần đây cho thấy, tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Các nền tảng số, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh liên tục những năm qua và chiếm lĩnh thị trường với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng…
Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, để nâng cao và đảm bảo chất lượng các sản phẩm Việt cung cấp vào các hệ thống phân phối trong nước, cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp. Những thỏa thuận, cam kết giữa các nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa và từng bước nhân rộng mô hình.
Hiện nay, nhiều hệ thống phân phối xem vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa là yếu tố sống còn. Một số địa phương và hệ thống phân phối đã đề ra Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá, cùng xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động, cùng nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó, các chương trình tạo sức răn đe tổng hợp, định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm.
Dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho biết, ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo đã tổ chức hội nghị xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam. Trong đó, giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững, theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả là giải pháp trọng tâm.
6 hệ thống phân phối hàng đầu TP. Hồ Chí Minh là Saigon Co.op, Satra, Bách Hoá Xanh, AEON, Central Retail, MM Mega Market, với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất, phải phát huy tinh thần tiên phong, dẫn dắt xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hoá yêu cầu doanh nghiệp sản xuất nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng sản phẩm, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Các sản phẩm đã được doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng và chịu sự kiểm soát chất lượng của 6 hệ thống phân phối lớn sẽ giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về Chương trình cũng như đảm bảo chất lượng của hàng Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng trong nước, tiến tới mục tiêu “Hàng Việt chinh phục người Việt”.