Đưa ra ví dụ về sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc) thời gian gần đây quảng cáo rầm rộ, hàng hóa giảm giá sâu, có mặt hàng giảm đến 70%, rẻ so với mặt bằng. ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là "cảnh báo lớn" rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay. Nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Đại biểu nhấn mạnh nguy cơ hàng hóa giá rẻ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước gặp khó khăn, sẽ phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng. ĐBQH Hoàng Văn Cường kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hành động ngay trước vấn đề này. “Nhu cầu của người dân về hoạt động thương mại điện tử ngày càng lớn, chúng ta không thể cấm nhưng cần có giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hoá qua sàn thương mại điện tử”, ĐBQH Hoàng Văn Cường kiến nghị.
Nhiều hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử hiện nay sản xuất ở Trung Quốc nhưng đột lốt hàng Việt Nam, đặc biệt việc kiểm soát chất lượng hàng hoá qua mạng còn lỏng lẻo cũng đã được nhiều đại biểu phán ảnh ở các kỳ họp trước. ĐBQH Hoàng Văn Cường kiến nghị cần tăng cường kiểm soát chất lượng hàng trên thương mại điện tử, một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước "cơn lốc" hàng giá rẻ.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng, bởi thể loại hàng hóa này đang tràn lan; ngoài ra, cần tính đến tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước. "Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng, gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, ĐBQH Hoàng Văn Cường khẳng định.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), trong 9 tháng doanh thu thương mại điện tử ước đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng 36%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng rất nhanh. Vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó? Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội và các nhà quản lý đang rất lo lắng.
Theo các đại biểu, việc hàng hóa được kinh doanh dễ dàng trên sàn thương mại điện tử đã tạo ra tâm lý dễ dãi đối với người tiêu dùng trong nước. Điều này có 2 mặt, mặt tích cực đối với người tiêu dùng đó là rất dễ mua sắm, muốn mua món đồ gì cũng có, chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, lướt tiktok hay lên sàn thương mại điện tử Shopee hoặc Lazada… là có thể mua các sản phẩm theo ý thích với giá siêu rẻ; được giao hàng nhanh chóng, với phương thức thanh toán dễ dàng… điều này mang lại nhiều tiện lợi nên người dân rất thích. Nhưng ngược lại có mặt tiêu cực đối với doanh nghiệp, do nhiều hàng hóa trong nước ngay trong thời điểm này không thể cạnh tranh về giá cả, về mẫu mã.
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng đã nêu những khó khăn của doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp sản xuất trong nước và kiến nghị cần sớm có cơ chế, giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hoá nhằm đảm bảo tính ổn định cho thị trường trong nước và các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Tại họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Công Thương vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng về hàng hóa trên thương mại điện tử sau đó tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. “Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Mới đây, Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này. Chính phủ Thái Lan cũng đã có các biện pháp đánh thuế với Temu để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường nước này nhằm bảo vệ thị trường trong nước.