Tạo động lực thu hút đầu tư
Theo thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 250 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; với các nhóm ngành chủ yếu về dệt may; da giày; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải; hóa chất - phân bón; thiết bị điện - điện tử; chế biến gỗ - giấy; chế biến thực phẩm - đồ uống; chế biến nông sản…
Tại các địa phương đã có một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo đã gây dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường, như Công ty TNHH công nghệ COSMOS 1 với việc sản xuất phụ tùng, linh kiện lắp ráp ô tô, xe máy.
Ngành công thương cũng đã tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp, chương trình phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã chủ động bám sát, nắm bắt, đôn đốc tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), các dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp có thế mạnh.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách phát triển các KCN, CCN; công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư, tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin…
Phú Thọ cũng xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; xác định các nhà đầu tư chiến lược, các dự án động lực, các dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh... Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, thông thoáng để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư. Qua đó, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.
Hướng tới phát triển toàn diện và bền vững
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là mặc dù tiềm năng sử dụng và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại tỉnh Phú Thọ và các địa phương lân cận khá cao, nhưng hầu hết doanh nghiệp đều mới chỉ dừng lại ở một số sản phẩm hay dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, các hoạt động công nghiệp còn khá yếu kém và cũng đang trong quá trình phát triển. Các nguyên liệu chính như sắt thép, cao su, hóa chất, kim loại, năng lượng được sản xuất chủ yếu tại các vùng khác, làm cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhỏ và vừa khá cao.
Trước những vướng mắc này, trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, Sở Công Thương Phú Thọ đã đặt ra mục tiêu, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm nhân tố thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị trị toàn cầu.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động hiệu quả, tỉnh Phú Thọ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất. Bên cạnh đó, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần tăng 20 - 25% tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh.
Để thực hiện chương trình này, thời gian tới, Phú Thọ sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, sẽ khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hội chợ triển lãm, trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ khảo sát tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước…
Trong đó, ưu tiên phát triển những lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể, sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, khuôn mẫu, phụ tùng, linh kiện máy móc thiết bị; công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học - viễn thông; công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và vật liệu mới; lĩnh vực sản xuất bao bì, đóng gói; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da - giày; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ du lịch, dịch vụ, nội thất và đồ gia dụng.
Nhận định khả năng sản xuất, cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ưu tiên hỗ trợ để phát triển sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành kể trên là cần thiết và đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh toàn diện và bền vững.