Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm có hiệu quả, chất lượng thuốc của Việt Nam được duy trì và bảo đảm trong suốt nhiều năm. Kết quả khảo sát, tính trên số mẫu thuốc lấy để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm khoảng 2% và có xu hướng giảm, từ năm 2013 đến 2018 lần lượt là: 2,54%, 2,38%, 2,00%, 1,98%, 1,59% và 1,32%. Đến nay tỷ lệ thuốc giả khoảng dưới 0,1%. Đây là con số đáng mừng nhưng không phải không có những băn khoăn trong cuộc chiến bảo đảm chất lượng thuốc và giá thuốc trong lĩnh vực gần như là độc quyền về chuyên môn.
Có thể thấy quản lý chất lượng thuốc và giá thuốc là vấn đề cử tri quan tâm và đã được nêu tại nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là vấn đề Bộ Y tế hết sức nỗ lực làm tốt. Theo đó việc triển khai hiệu quả công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia trong năm 2017 và năm 2018 giúp giảm giá thuốc; đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân nội trú do nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập đã được quản lý thông qua đấu thầu mang lại hiệu quả cao, hiệu ứng khám chữa bệnh tốt.
Các cơ sở bán lẻ thuốc cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên đây là lĩnh vực chuyên môn sâu, liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh của người bệnh và uy tín của ngành y tế trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Vì vậy, các cơ sở bán lẻ thuốc phải đặt trong sự quản lý chặt chẽ của pháp luật; phải thực hiện công khai, minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán. Cùng với nó, hệ thống thanh tra y tế phải tăng cường vai trò thực sự; phải đủ sức, đủ lực để tiến hành thanh tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc và chất lượng thuốc. Các cơ sở vi phạm bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và công khai. Đây được xem là biện pháp bảo đảm thực thi luật tránh hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” và buông lỏng quản lý.
Để giám sát chặt chẽ giá thuốc cũng như chất lượng thuốc, Bộ Y tế phải phối hợp liên ngành xem xét việc kê khai, kê khai lại giá thuốc của cơ sở; xử lý các trường hợp kê khai, kê khai lại giá thuốc không hợp lý, không bảo đảm chất lượng thuốc. Với 41.394 cơ sở bán lẻ dược phẩm, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý thì đây là công việc không dễ.
Áp dụng công nghệ, nối mạng liên thông các nhà thuốc là một giải pháp quản lý đang được triển khai. Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục đã phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật, chuẩn hóa hơn 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế, đồng thời tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác nhau. Khi đó, chỉ những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán. Như vậy vừa quản lý được chất lượng thuốc, tránh được thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn vào, vừa kiểm soát được giá thuốc.
Tuy nhiên, việc thực hiện kê khai điện tử và nối mạng của các nhà thuốc còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn vì cố tình che giấu doanh thu, lợi nhuận của cửa hàng thuốc và cả thói quen mua thuốc không theo đơn, không cần hóa đơn. Mặt khác, cơ quan quản lý chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt. Đây cũng chính là điểm vướng mắc bảo đảm giá thuốc và chất lượng thuốc khi đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Công tác giám sát, kiểm tra của Cục Quản lý dược dù theo định kỳ hay đột xuất phải xử lý được vấn đề này. Và hiện nay đã xử lý như thế nào cần có báo cáo với cử tri, đại biểu Quốc hội.