14 nhóm quy định mới có lợi cho người dân, doanh nghiệp
Luật Đất đai là đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cho đến khi được các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm sáng 18.1.2024 thì chỉ tính riêng ở Quốc hội, đạo luật này đã được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng tại 4 Kỳ họp, con số kỷ lục đối với một dự luật trình Quốc hội cho đến nay và 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân). Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu nào phát biểu thêm khi dự luật được trình thông qua.
"Hành trình" của dự luật đặc biệt này không chỉ cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá về: sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; về huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; về việc tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước; về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
"Trái ngọt" của hành trình ấy là một đạo luật đồ sộ với 260 điều, trong đó, báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã thống kê chi tiết 14 nhóm quy định mới có lợi cho người dân và doanh nghiệp được thể chế hóa gồm: chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; chế độ sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai; hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; điều khoản thi hành.
Kiểm soát tốt hơn việc thu hồi đất tràn lan ảnh hưởng đến người dân
Thu hồi, trưng dụng đất - một trong những lĩnh vực "nóng nhất", nảy sinh nhiều hệ quả kinh tế, xã hội phức tạp nhất trong lĩnh vực đất đai đều có những sửa đổi hết sức quan trọng trong Luật Đất đai 2024 nhằm bảo đảm tối đa trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Được thiết kế thành một chương riêng, các quy định về thu hồi, trưng dụng đất của Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; căn cứ, điều kiện; thẩm quyền thu hồi đất; thông báo, trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi; cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; trưng dụng đất.
Ngoài những nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung khá nhiều quy định để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đơn cử như Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Sau rất nhiều tranh luận, bàn thảo tìm phương án tốt nhất, Luật đã quy định rõ nội hàm “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, quy định cụ thể 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Bên cạnh việc thu hồi các dự án, công trình phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, Luật Đất đai bổ sung các trường hợp để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, gồm: dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; thực hiện hoạt động lấn biển; xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm.
Luật cũng quy định cụ thể các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa không phân biệt nguồn vốn đầu tư được thu hồi đất thuộc các lĩnh vực: văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ... để khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Đồng thời, có quy định cụ thể về thu hồi đất có chênh lệch địa tô để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất: dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.
Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung quy định thu hồi đất đối với các dự án có tính chất quan trọng như thực hiện dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật; quy định mở về bổ sung trường hợp thu hồi đất theo trình tự sửa đổi Luật Đất đai theo quy trình rút gọn.
Những điểm mới này sẽ giúp cơ quan nhà nước và người dân xác định rõ các trường hợp nhà nước thu hồi đất nhằm kiểm soát tốt hơn việc thu hồi đất tràn lan ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Các công trình thu hồi đất được quy định cụ thể cũng sẽ giúp việc chuyển dịch đất đai sang phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được thuận lợi, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng được hoàn thiện so với Luật Đất đai 2013 giúp kiểm soát chặt chẽ quá trình thu hồi đất bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi phải được bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Về phía cơ quan nhà nước khi thực hiện các dự án phải thu hồi đất mà sử dụng vốn đầu tư công cũng sẽ được thuận lợi hơn do không phải căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Ngay trong Chương về thu hồi, trưng dụng đất, Luật Đất đai 2024 cũng bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định có lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước trên cơ sở bảo đảm sự minh bạch, chặt chẽ của pháp luật như:
Điều 81 về thu hồi đất do vi phạm đã bỏ hành vi "Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm” và chỉnh sửa một số hành vi vi phạm để khắc phục những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điều 82 về thu hồi do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật đã bổ sung trường hợp thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; thu hồi đất liên quan đến thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và nông lâm trường. Bỏ quy định thu hồi đất đối với trường hợp “tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất” để xử lý theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.
Hay Điều 83 về thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà phân cấp cho cấp huyện; bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Điểm mới này giúp thuận lợi hơn trong việc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội do không phải thực hiện thủ tục sắp xếp, xử lý tài sản công, đồng thời các thủ tục thu hồi đất do cấp huyện thực hiện sẽ bảo đảm sự thống nhất, liên tục.