Ngược lại, có không ít tỉnh, thành phố cho biết chưa tính đến việc này nhằm chia sẻ khó khăn với người dân dù theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chính phủ quy định khung, trần học phí cho từng địa phương, đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học...
Thực tế, việc tăng học phí - dù mới chỉ ở dạng dự kiến cũng khiến nhiều người lo lắng rằng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập, nhất là với bộ phận học sinh nghèo, học sinh có điều kiện khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến thu nhập của đại bộ phận người dân đều bị ảnh hưởng. Do đó, từ cuối tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thểg, chia sẻ khó khăn và khả năng đóng góp của người dân.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 -2023, đồng thời lùi lộ trình tăng học phí các cấp học, từ bậc mầm non đến đại học. Đề xuất này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ tâm tư, nguyện vọng của đại đa số phụ huynh, học sinh và hơn hết là hợp tình, hợp lý, có tính khả thi.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc có tăng học phí hay không cần hết sức thận trọng và phải cân nhắc kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp. Bởi như ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu mới đây thì theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022 - 2030 dự kiến tăng 40 - 90% sẽ tác động đến CPI chung năm 2022 từ 0,55-1,05% là rất lớn. Cùng với tác động của giá xăng dầu và một số mặt hàng khác cộng hưởng sẽ rất khó cho công tác điều hành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tăng giá dịch vụ giáo dục không phải là giải pháp cuối cùng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở nguồn lực ngân sách Nhà nước có thể đề xuất tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp, trong một thời điểm nhất định.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, giá dịch vụ giáo dục trong quyền số tính CPI rất cao, khoảng 5,45% và dự kiến sẽ có tốc độ tăng từ 10 - 19%. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vẫn còn hỗ trợ nên vấn đề đặt ra là khi không còn được Nhà nước hỗ trợ, phải có giải pháp để các tỉnh, thành phố không đồng thời tăng giá dịch vụ giáo dục.