Dự thảo Luật đã khắc phục nhiều hạn chế, bất cập
Bày tỏ đồng tình, thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá: Dự thảo đã quy định rõ thêm nhiều nội dung; kịp thời cụ thể hóa những điểm mới về dân chủ ở cơ sở từ chủ trương, đường lối của Đảng, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các chủ thể để đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành.
Đi vào những nội dung chi tiết, đại biểu đánh giá cao và tán thành dự thảo Luật đã quy định cụ thể nội dung, hình thức Nhân dân kiểm tra, giám sát tại Điều 30, 31; xử lý kết quả kiểm tra giám sát của Nhân dân tại điều 34 và trách nhiệm trong việc bảo đảm để Nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở. “Điều này đã khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định trước đó về thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để Nhân dân kiểm tra được cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp. Nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện kiểm tra, giám sát thì sẽ cơ bản thiếu đi một khâu ở giữa – là mắt xích để thực hiện đầy đủ các nội dung hình thức như dự thảo quy định. Nếu không có hướng dẫn cũng sẽ khó thực hiện trong thực tiễn hoặc thực hiện theo cách hiểu khác nhau dẫn đến không thống nhất, đồng bộ. Như vậy, rất dễ dẫn đến chung chung, hình thức. Bởi vậy, cần bổ sung 1 điều quy định cụ thể về quy trình, cách thức thủ tục để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình.
Bàn giải pháp để hoạt động kiểm tra, giám sát của Nhân dân được hiểu và đảm bảo cơ chế thực hiện, đại biểu cho rằng: cần làm rõ thế nào là kiểm tra của Nhân dân, giám sát của Nhân dân. Đồng thời, phân biệt rõ kiểm tra, giám sát của Nhân dân với kiểm tra, giám sát, thanh tra của Đảng, của Nhà nước. Từ đó, đi đến cách hiểu thống nhất; xác định được phạm vi, mức độ, thẩm quyền, đối tượng kiểm tra, giám sát cụ thể, tránh chồng chéo, khó thực hiện.
Cần cụ thể trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong Luật
Về quy định liên quan đến Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, bổ sung giao cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, công nhận và hướng dẫn hoạt động kiểm tra, giám sát.
Nêu các lí do về đề nghị này, đại biểu nêu dẫn chứng: Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính – xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Theo đó, trên thực tế, căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Thanh tra; Luật đầu tư công; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11ngày 20.4.2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã ban hành Thông tri về việc hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức triển khai tại địa phương, cơ sở nhưng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng qua báo cáo tổng kết còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, việc cụ thể trách nhiệm của MTTQ Việt Nam từ trong Luật sẽ nhấn mạnh vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc chủ động hướng dẫn, triển khai, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định.
Về kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, đại biểu đề nghị: giao Chính phủ quy định mức tối thiểu, việc lập dự toán, quyết toán, định mức chi các hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng để bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, thống nhất trong cả nước.
Đối với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều quy định về trình tự, thủ tục, quy trình giám sát đầu tư của cộng đồng (Nội dung này đang được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật Đầu tư công). Trong đó, cần làm rõ kết quả giám sát đầu tư cộng đồng là một thành phần trong hồ sơ nghiệm thu, quyết toán công trình. “Điều này sẽ đảm bảo tính hướng dẫn kịp thời, nhanh chóng đưa hoạt động giám sát đi vào thực tiễn ngay khi Luật được thông qua. Đồng thời, sẽ làm rõ thêm trách nhiệm của tổ chức, cơ quan trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng kiến nghị bổ sung chế tài đối với người có thẩm quyền không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, trách nhiệm với Nhân dân, vi phạm quyền dân chủ của Nhân dân. Nhất là các ý kiến sau kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. "Bên cạnh đó, cũng cần chế tài cụ thể đối với người dân, người lao động cố tình lợi dụng dân chủ để chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, của cộng đồng, nhất là Quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực. Vì dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề này", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị.