Cần có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Phát biểu thảo luận tại tổ, ĐBQH Đoàn Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang cơ bản đều nhất trí cao với các báo cáo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Các đại biểu nhìn nhận: Tuy nền kinh tế thời gian gần đây phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn, nhưng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; giảm thuế cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng với thời gian áp dụng đủ dài nhằm giúp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng; có chính sách tín dụng hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân; chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động cần dễ tiếp cận hơn...
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, các ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được tăng cường; công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các Bộ, ngành và địa phương cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm; việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, góp phần phòng, chống thất thoát lãng phí hiệu quả.
Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí và cho rằng việc tăng vốn cho Ngân hàng NN-PTNT trong tình hình hiện nay là rất cần thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động cũng như đóng góp vào phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm, làm rõ hơn phương án tăng vốn và đánh giá hiệu quả tác động kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước do khoản vốn bổ sung này là 17.100 tỷ đồng (xấp xỉ gần 50%). Bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã được triển khai thông qua tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11.11.2022, nhưng đến nay còn vướng mắc chưa triển khai thực hiện được.
Cần có giải pháp hiệu quả hơn
Liên quan đến những bất cập trong lĩnh vực đất đai hiện nay, các ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề xuất, Chính phủ cần giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định hướng dẫn trong việc giải phóng mặt bằng, giao đất công để thực hiện các dự án có hiệu quả. Thêm vào đó, cần xem xét hoàn thiện sớm các quy định về giá đất để tạo điều kiện thực hiện các dự án đầu tư công; xem xét các quy định đối với các thủ tục đầu tư xây dựng và chuyển đổi đất rừng.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện về quy định cơ chế, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm so với kế hoạch. Tình hình giải ngân vốn năm 2022 và vốn đầu tư phát triển đến tháng 3.2023 còn thấp; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng từ đầu quý I.2023 đến nay do suy thoái kinh tế. Vấn đề giới tính bị mất cân bằng, chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật công nhận về giới tính thứ 3. Chế độ, thu nhập dành cho người lao động tại một số ngành nghề còn chưa phù hợp với mức sống hiện nay dẫn tới việc bỏ, đổi việc làm nhiều hơn gây ra mất cân bằng xã hội; nhiều công trình xây dựng bỏ không bị xuống cấp gây thất thoát, lãng phí; dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đang bị đóng băng 14 năm gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; tiến độ dự án đầu tư Hồ chứa nước Ka Pét còn chậm nhưng vốn đầu tư tăng do khó khăn bởi đại dịch Covid. Về dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng cần chọn chủ trương đầu tư cho dự án sớm để triển khai nhằm chống trượt giá;…
Từ thực trạng trên, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, tiếp thu thêm các ý kiến để có nâng cao giải pháp hiệu quả hơn nhằm phát huy các kết quả đạt được; kịp thời nghiên cứu, cập nhật thông tin phù hợp để triển khai được các phương án đồng bộ hơn, giải quyết sớm được các vấn đề vướng mắc.