Thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu đánh giá, đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam góp phần hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Gia Lai) nhận định, đây là một chủ trương mang tính “lịch sử”, thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay và phát triển lâu dài của đất nước. Theo đó, phát triển hạ tầng luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định rõ là 1 trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng. Thời gian qua, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông là rất lớn, song chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.
Đại biểu cho rằng, việc đầu tư Dự án này là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển, tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ giải trình thêm về tổng mức đầu tư của dự án. Theo đại biểu, sẽ có nhiều yếu tố có thể làm tăng tổng mức đầu tư, đơn cử như liên quan về tính giá đất đền bù giải phóng mặt bằng vì dự án này chúng ta đang tính theo cuối thời điểm năm 2023 và năm 2024 nhưng khi thực hiện là năm 2027 và thực hiện giá đất theo Luật Đất đai mới. Do đó, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên nhiều...
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh cũng đề nghị, Chính phủ cũng cần phải rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, đưa ra những dự báo trong những năm tiếp theo từ lực lượng nhân công, lao động; nguyên vật liệu khi thi công; công nghệ… để bảo đảm tính khả thi và tiến độ của Dự án.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Hoàng Anh, đại biểu Nguyễn Đình Việt (Cao Bằng) cho rằng, dự án có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, với tính chất là một dự án có tính chiến lược dài hạn, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao, do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc đánh giá thận trọng để bảo đảm tính khả thi; gắn dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với đường sắt đô thị của 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nguồn lực và hệ thống kết nối phải tổng thể. Bên cạnh đó, không nên quy định quá chi tiết, chỉ nên quy định khung nguyên tắc, các thông số… vì thời gian thực hiện dự án rất dài.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) và một số đại biểu khác đề nghị, rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác; mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và lợi ích của việc đồng thời nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa, khách du lịch; khả năng thích ứng, bảo dưỡng và nâng cấp trong tương lai, bảo đảm phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu và hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam. Đồng thời đề xuất phát triển các đô thị vùng quanh các điểm nhà ga phù hợp, có tính chiến lược dài hạn.
Đối với công nghệ đoàn tàu, cần tiếp tục phân tích, so sánh các phương án lựa chọn cấu hình đoàn tàu linh hoạt, tối ưu; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, giải pháp cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Từ đó, làm rõ cơ sở tính toán dự báo nhu cầu vận tải, đánh giá hiệu quả tài chính của Dự án, khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) và đại biểu Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đồng tình với quan điểm đánh giá, với Chủ trương đầu tư đường sắt Bắc - Nam, Quốc hội đã thể hiện rõ trách nhiệm với lịch sử và đưa ra những quyết định lịch sử. Về phía Chính phủ, cần đánh giá thêm những tác động, nhất là về nguồn vốn và đặc biệt cần có những “cam kết” để bảo đảm dự án lịch sử này thực hiện một cách hiệu quả, chắn chắc.
Có giải pháp ổn định đời sống, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi
Các ĐBQH Tổ 17 cũng thống nhất cao với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, đề nghị làm rõ các nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ dự án này; cân nhắc, rà soát điều chỉnh thời gian phù hợp, phấn đấu nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục quan tâm để có giải pháp ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, xác định mốc thời gian hoàn thành của từng hạng mục công trình lớn theo đúng quy định tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội; có giải pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng phù hợp, tránh chồng chéo; xác định cụ thể từng loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; cơ chế thí điểm đối với điều kiện nhận chuyển nhượng các loại đất; quy định rõ điều kiện thí điểm, tránh tình trạng lạm dụng chính sách, hợp thức hóa các tồn tại, sai phạm, tạo xu thế mua gom, đầu cơ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ thời gian thực hiện thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất và việc giải quyết trường hợp thỏa thuận kéo dài, không hoàn thành thỏa thuận được với người sử dụng đất trong thời gian thực hiện nghị quyết; việc xử lý các hậu quả pháp lý trong trường hợp thỏa thuận kéo dài, nhà đầu tư không thể hoàn thành dự án….