Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...
Đồng tình cao với chủ trương này, song đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, cần làm rõ phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; làm rõ khả năng thích ứng, bảo dưỡng và nâng cấp trong tương lai, bảo đảm phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu và hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục phân tích, so sánh các phương án để lựa chọn cấu hình đoàn tàu linh hoạt, tối ưu cho phương án khai thác và thuận lợi cho việc nội địa hóa.
Cũng theo đại biểu, cần làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án; đồng thời, cần rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Nhất trí cao với chủ trương đầu tư dự án này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, dự án này có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả nguồn lực rất lớn (từ dịch vụ, du lịch, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng vận tải hàng hóa từ Bắc vào Nam)…; đồng thời, việc đầu tư tuyến đường sắt này sẽ tạo sự kết nối, phát triển lan tỏa trên trục hành lang Bắc – Nam, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về giao thông, logistic.
Dẫn kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, để giải quyết nhu cầu vận tải lớn về hành khách và hàng hóa thì nhu cầu sử dụng đường sắt cao tốc là quan trọng nhất, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng của dự án, nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức trong triển khai dự án để có giải pháp khắc phục.
Khẳng định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, trong đó có các tỉnh miền Trung, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Hà Tĩnh chưa có sân bay nên việc xây dựng hai nhà ga đường sắt tốc độ cao trên địa bàn sẽ tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người dân địa phương và các tỉnh trong khu vực.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất: cần sớm triển khai dự án đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Hà Tĩnh). “Với chiều dài khoảng 554,7 km, kết nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với cảng Vũng Áng (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,3 tỷ USD), dự kiến khi hoàn thành dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách giữa hai nước, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và du lịch, đồng thời khẳng định vai trò của Hà Tĩnh trong việc kết nối khu vực”, ông Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.