Theo dự thảo thông tư, nguồn thông tin cơ bản để đánh giá về tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết bao gồm: Thông tin của các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kết quả của hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; kết quả của hoạt động hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính; phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội.
Trong những năm qua, dù được nói đến rất nhiều và rất quyết liệt nhưng cùng với tình trạng “nợ đọng” thì chất lượng văn bản hướng dẫn chi tiết luôn là vấn đề đáng quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến hết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã ban hành 55 luật. Tính đến tháng 8.2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật. Còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Trong Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 8 cho thấy, không có văn bản quy định chi tiết có dấu hiệu trái Hiến pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Có 8 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội. Trong đó, 7 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 1 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ, có 7 nghị định và 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; cụ thể: 3 nghị định và 2 thông tư quy định chi tiết Luật Công an nhân dân; 1 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, 1 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; 1 nghị định quy định chi tiết Luật Chuyển giao công nghệ; 1 nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và sử dụng tài sản công; 1 thông tư quy định chi tiết Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…
Việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết là rất cần thiết bảo đảm các quy định của luật sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc chậm ban hành hay ban hành dù đúng thời gian quy định nhưng lại có điểm “vênh” với quy định của luật đang làm khó cho cơ quan thực thi, cũng như làm cho các quy định của luật chậm đi vào cuộc sống. Câu hỏi đặt ra là, để xảy ra tình trạng trên là do chủ thể ban hành chưa thực sự hiểu hết các quy định của luật, hay còn có lý do nào khác?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương từng lên tiếng về tình trạng này, đại biểu nhấn mạnh, nghị định hay thông tư là hướng dẫn thi hành các luật chứ không phải là văn bản quy định những vấn đề luật không quy định. Trong khi đó, có những quy định mà luật không quy định nhưng trong nghị định, thông tư lại có, chưa kể việc quy định sai hoặc không đúng với quy định của luật. Do đó, cần phải có quy định bảo đảm chặt chẽ, kiểm soát được việc ban hành các văn bản dưới luật để đảm bảo các quy định đó thống nhất với quy định của luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị.
Thiết nghĩ, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không còn tình trạng quy định một đằng, hướng dẫn một nẻo, việc chỉ rõ địa chỉ vi phạm khi ban hành văn bản hướng dẫn là điều cần thiết. Cùng với đó, rất cần cơ chế xử lý trách nhiệm nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng này.