Theo báo cáo, Hải Phòng hiện có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với diện tích 22.540ha và 14 khu công nghiệp đã được thành lập. Đây là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, đô thị công nghiệp, thương mại, du lịch hiện đại, trở thành động lực phát triển của Hải Phòng và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là cửa ngõ hội nhập của Việt Nam.
Thời gian tới, thành phố tập trung phát triển thêm 20 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 7.000ha theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo Đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương cho biết, lũy kế đến nay các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đã thu hút gần 47,8 tỷ USD, gồm 617 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 30,5 tỷ USD và 244 dự án trong nước với tổng vốn 404.958 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 773 doanh nghiệp.
Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế là 215.368 người, trong đó, lao động Việt Nam 210.182 người, lao động nước ngoài 5.186 người. Tiền lương bình quân của người lao động trong Khu kinh tế là 11,59 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, người lao động còn được chi trả các khoản phụ cấp: làm thêm giờ, lương thưởng tháng thứ 13, các chế độ phúc lợi khác.
“So với các tỉnh, thành phố lân cận, mức thu nhập bình quân của người lao động tại Khu kinh tế Hải Phòng thuộc hàng cao nhất, 14,5 - 15 triệu đồng/tháng”, ông Đào Phú Thùy Dương nói.

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý Khu kinh tế tập trung thu hút nhà đầu tư ở những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, tạo động lực mạnh cho tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời tạo động lực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Để nguồn nhân lực chất lượng cao yên tâm gắn bó, làm việc và sinh sống tại thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho rằng, cần có nhiều chính sách vượt trội hỗ trợ người lao động như đào tạo nghề, nhà ở xã hội, đầu tư mạng lưới y tế, hạ tầng giao thông công cộng, giáo dục chất lượng cao… Thời gian qua, Ban Quản lý đã trực tiếp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thiện Đề án về phát triển nhà ở, phối hợp với các ngành tham mưu chính sách về hỗ trợ học nghề.
Hiện nay, thành phố Hải Phòng đã củng cố, phát triển nhiều cơ sở đào tạo, dạy nghề, trường học tiêu chuẩn quốc tế; bệnh viện chất lượng cao và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở lưu trú cho chuyên gia nước ngoài. Đây chính là động lực để thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương dịch chuyển về Hải Phòng.

Từ thực tiễn phát triển, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố nghiên cứu bổ sung, mở rộng đối tượng, danh mục ngành nghề hỗ trợ đào tạo tại Nghị quyết số 03/2024/NQ HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo một số nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024 - 2030, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, người lao động thành phố được tham gia học tập, đào tạo phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.
Theo Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND, hỗ trợ chi phí học tập 900.000 đồng/người/tháng đối với học sinh tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên, người có bằng tốt nghiệp THPT học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng danh mục 9 nghề thành phố khuyến khích; hỗ trợ 50% mức thu học phí người học phải nộp tại cơ sở đào tạo theo quy định với đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố…
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cần tăng cường thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại thành phố, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.

Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương cho rằng cần có dự báo xu hướng ngành nghề để từ đó có kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu
Trong bối cảnh nguồn lao động tại Hải Phòng đã cạn, tại cuộc làm việc, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, thành phố phải có cơ chế, chính sách để cùng doanh nghiệp thu hút, giữ chân lao động ngoại tỉnh, như nhà ở xã hội; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo sớm cho người học những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần; dự báo ngành nghề và phát triển nhân lực phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp…
Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, cung cấp cho Đoàn nhiều thông tin cần thiết về nhu cầu cũng như thực trạng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Qua báo cáo và trao đổi tại cuộc làm việc cũng cho thấy Ban đã quản lý tốt lao động trong khu kinh tế với số liệu cụ thể, đầy đủ, trong đó có lao động người nước ngoài.
Để thu hút lao động đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của thành phố thời gian tới, nhất là mục tiêu 100% lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế đã qua đào tạo, Đoàn giám sát mong muốn Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố có các cơ chế, chính sách đột phá hơn; kết nối hiệu quả doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo để có đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…