Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ; đại diện UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Trà Vinh cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng kể, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu cụ thể về lao động và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh như sau: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc khoảng 540.355 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,10%. Cơ cấu lao động theo ngành nghề: Lao động nông nghiệp chiếm 28,89%; lao động trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 71,11% trong tổng số lao động toàn xã hội.
Trà Vinh chưa ban hành chính sách riêng để thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn 2021-2024. Riêng Trường Đại học Trà Vinh đã thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đối với 153 viên chức, chính sách hỗ trợ thu nhập hàng tháng đối với 238 viên chức; chú trọng thực hiện chính sách đối với nhân lực có trình độ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, ngôn ngữ, văn học.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trà Vinh còn gặp một số khó khăn, hạn chế trong công tác phân luồng học sinh THCS vào học nghề dẫn đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề còn thấp. Hệ thống trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ về quy mô và chất lượng đào tạo; một số ngành, nghề đào tạo chưa thực sự hấp dẫn và chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động. Nguồn nhân lực trong tỉnh phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu hụt đội ngũ chuyên gia có trình độ cao.
Trong thời gian tới, Trà Vinh sẽ huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư vào các ngành, nghề trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác và vận động nguồn viện trợ phát triển chính thức, cũng như các khoản viện trợ từ các tổ chức phi Chính phủ.
UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị bổ sung quy định cho phép các trường cao đẳng, trung cấp được phép giảng dạy chương trình văn hoá THPT hệ giáo dục thường xuyên đối với học sinh đã tốt nghiệp THCS và tiếp tục học lên trình độ trung cấp, cao đẳng; có chính sách miễn học phí đối với thanh niên xuất ngũ tham gia học nghề; giảm yêu cầu về diện tích đất đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại đô thị và nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tìm quỹ đất phù hợp với điều kiện thực tế; điều chỉnh chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ hợp lý giữa khu vực công và khu vực tư.
Đoàn giám sát đã nêu một số vấn đề bất cập trong phát triển nguồn nhân lực tại Trà Vinh, đó là tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục bình quân giai đoạn 2021-2024 chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 20%; tình trạng về cung chưa đáp ứng được cầu của thị trường lao động liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt lao động chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy thành quả đã có, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo chủ trương của Đảng “huy động mọi nguồn lực cho phát triển”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nghề; chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cả học viên về trình độ chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng cần thiết khác. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh áp dụng mô hình đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành tại doanh nghiệp. Tập trung đầu tư cho một số cơ sở giáo dục và ngành nghề trọng điểm, then chốt đáp ứng nhu cầu về nhân lực tại địa phương.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh phổ thông; đầu tư xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, hiệu quả; nâng cao chất lượng quản trị và phân tích, dự báo xu hướng thị trường lao động.
Các kiến nghị của UBND tỉnh Trà Vinh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu để có thêm căn cứ thực tiễn trong xây dựng chính sách phù hợp với các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.