Triển khai khá đồng bộ, với nhiều cách làm mới, quyết tâm cao
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện quy định theo thẩm quyền, đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp, thẩm định các nội dung triển khai theo phân cấp trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ lao động - sản xuất.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tổ chức khá đồng bộ, với nhiều cách làm mới, quyết tâm cao, huy động nhiều nguồn lực, dần được hoàn thiện và cơ bản đã đạt được mục tiêu về chuẩn hóa, nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp và năng lực hội nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ lao động sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ qua từng giai đoạn.

Đối với việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các cơ sở giáo dục đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với các hoạt động tham quan học tập và trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề tư vấn hướng nghiệp cho học sinh mang lại hiệu quả nhất định; lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Quang cảnh cuộc làm việc
Giai đoạn 2021 - 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 120.382 người, trong đó: 22.849 lao động có trình độ từ trung cấp trở lên, kinh phí hỗ trợ 121,690 tỉ đồng; đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho 97.533 người.
Trong đó, đào tạo cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2.507 lao động, kinh phí hỗ trợ 3,952 tỉ đồng; đào tạo cho bộ đội xuất ngũ 1.648 người, kinh phí hỗ trợ 18,549 tỉ đồng; đào tạo cho lao động theo Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) vùng miền núi, dân tộc thiểu số 2.112 người, kinh phí hỗ trợ 5,934 tỉ đồng; đào tạo cho lao động theo CTMTQG giảm nghèo bền vững 452 người, kinh phí hỗ trợ 1,289 tỉ đồng; đào tạo lao động theo CTMTQG về xây dựng nông thôn mới 1.780 người, kinh phí hỗ trợ 2,683 tỉ đồng; đào tạo cho người khuyết tật 154 người, kinh phí hỗ trợ 754,29 triệu đồng; ước đến cuối năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 31%.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ lao động tại Khánh Hòa qua đào tạo tăng dần theo từng năm, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cơ cấu lao động theo loại hình kinh tế có sự khác biệt rõ rệt giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, cũng như giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, lao động có trình độ cao chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ và công nghiệp, trong khi nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào lao động phổ thông.
Số lượng lao động tăng nhưng việc làm chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là đối với lao động có trình độ cao. Một bộ phận lao động có tay nghề cao có xu hướng di chuyển đến các địa phương khác để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Đồng thời, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở về địa phương nhưng không tìm được công việc phù hợp do đào tạo chưa sát với nhu cầu thực tế. Nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt trong một số ngành nghề thế mạnh của địa phương, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hoá và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa phát biểu
Nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu, số lượng lao động hàng năm vẫn tăng, sức ép về việc làm hàng năm vẫn lớn, việc giải quyết việc làm cho người lao động còn nhiều khó khăn do trình độ thấp, chưa qua đào tạo; cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng chất lượng chuyển dịch chưa bền vững, có sự chuyển dịch lao động có trình độ chuyên môn cũng như tay nghề cao sang địa phương khác; nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về địa phương lại không bố trí được việc làm, do một số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của địa phương.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc xác định chính xác nhu cầu nhân lực và chất lượng lao động. Giải pháp đề xuất là tăng cường liên kết giữa các bên liên quan, xây dựng chính sách thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, đồng thời điều chỉnh định hướng đào tạo phù hợp với thực tế thị trường lao động.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Minh Nam phát biểu
Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về phát triển nguồn nhân lực ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn tồn tại một số khoảng trống cần bổ sung, nhất là trong các chính sách thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Một số văn bản quan trọng như Quyết định số 73/QĐ-TTg về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã tạo khung pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, việc triển khai tại địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn do một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn so với khu vực tư nhân và công tác phối hợp liên ngành còn hạn chế.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Trong giai đoạn đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay, về biện pháp sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, nhân sự, tỉnh Khánh Hoà xác định tập trung giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao trách nhiệm của từng vị trí công tác. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhân sự, cụ thể: đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ cán bộ, áp dụng phần mềm đánh giá hiệu quả công việc, giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện cơ chế tuyển chọn nhân sự theo hướng cạnh tranh, công khai, đồng thời có chính sách thu hút, giữ chân nhân tài thông qua các ưu đãi về thu nhập, điều kiện làm việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Đối với chính sách thu hút nguồn nhân lực, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Nội vụ cho biết địa phương đã có những chính sách gì đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương cần kiến nghị cụ thể đối với từng khó khăn, hạn chế, vướng mắc đã chỉ ra để Đoàn có tổng hợp sát với địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa tham mưu, nghiên cứu thêm các chính sách đặc thù, phù hợp với địa phương nhằm thu hút hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy hoạch về nguồn nhân lực và hệ thống giáo dục cần tạo ra sự đột phá, trọng tâm, trọng điểm để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Các kiến nghị Sở Nội vụ cũng như các sở ngành tỉnh Khánh Hoà sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, hoàn thiện và có những kiến nghị xây dựng khung pháp lý cũng như điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.