Tham gia có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại: Trung tướng Đỗ Quang Thành, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Mạnh Tiến và các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Về phía tỉnh Tây Ninh có: Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh.
Tây Ninh là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 5 huyện, thị xã, 20 xã và 43 ấp biên giới; phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương, Bình Phước; Phía Nam, Đông Nam giáp tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh; phía Bắc, phía Tây và Tây Nam giáp với 3 tỉnh Tboung Khmum, Prey Veng và Svay Riêng của Campuchia với đường biên giới dài khoảng 233,789km và 49,094km đường sông. Trên địa bàn có 15 đồn biên phòng, 16 cửa khẩu; trong đó có 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ, 14 điểm cảnh giới, 32 chốt dân quân; ngoài ra còn một số đường mòn, lối mở truyền thống qua lại biên giới.

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương liên quan đến tình trạng khẩn cấp đến cán bộ chủ trì các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân.

Đồng thời, chủ động nắm diễn biến tình hình trật tự an toàn xã hội; tình hình thời tiết trong khu vực, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa kịp thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp; phòng chống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Chỉ đạo lực lượng vũ trang và các ngành, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24h, bảo đảm lực lượng sẵn sàng xử lý tình huống khi thiên tai xảy ra.

Nhờ có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, dự báo và dự kiến tình huống sát với tình hình địa phương, đơn vị, trong những năm qua tình hình địa phương cơ bản ổn định, chưa ban bố tình trạng khẩn cấp.

UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị, sau khi ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, các cấp, các ngành có những văn bản hướng dẫn thi hành phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; chính sách, chế độ ưu đãi đối với lực lượng trực tiếp và người được huy động làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.

Về tình hình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn Tây Ninh, đại diện UBND tỉnh cho biết, đã phân giới được 220,954/233,789km (94,51%) và đã xác định được 94/101 vị trí mốc với 102/109 cột mốc chính được xây dựng hoàn thành (93,57%). Với tổng số mốc phụ và cọc dấu được cắm tăng dày trên đoạn biên giới tỉnh Tây Ninh là 479 mốc (gồm 370 mốc phụ và 109 cọc dấu)...

Tây Ninh đề nghị Trung ương tiếp tục đàm phán với Campuchia để sớm giải quyết các đoạn biên giới còn tồn đọng trên toàn tuyến; đàm phán xây dựng Quy chế quản lý biên giới, quy chế quản lý cửa khẩu, các cơ chế song phương tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, cửa khẩu góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển thương mại biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, trên địa bàn từ năm 2000 đến nay, tình hình an ninh chính trị ổn định, không có thảm hoạ lớn, dịch bệnh nguy hiểm phải áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19 có triển khai thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh.
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức diễn tập cấp tỉnh, huyện, xã theo các nhiệm vụ: tác chiến phòng thủ; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy rừng; phòng, chống cháy nổ, cứu sập công trình và diễn tập phòng không nhân dân theo kế hoạch.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao những kết quả UBND tỉnh Tây Ninh đạt được trong lĩnh vực liên quan đến tình trạng khẩn cấp và tình hình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Trịnh Xuân An phát biểu
Đồng thời, đề nghị đơn vị làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến: ranh giới giữa tình trạng khẩn cấp và giải quyết tình trạng thông thường đã được quy định rõ chưa, có đáp ứng được công việc không? Trong quá trình chỉ huy, chỉ đạo có khó khăn, vướng mắc gì; công tác thông tin phối hợp, các chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp và người được huy động làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp; công tác hợp tác quốc tế khi giải quyết tình trạng khẩn cấp; tình hình tội phạm liên quan đến khu vực biên giới…

Quang cảnh cuộc làm việc
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia trên biên giới Tây Nam, Tây Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự quốc phòng, trong đó có quy định liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hải Hưng đề nghị, Tây Ninh tiếp tục làm rõ thêm việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý biên giới, chuyển đổi số, xây dựng biên giới mềm, mức độ ban bố tình trạng khẩn cấp…

Với mong muốn xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp để khắc phục được những bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi pháp luật về tình trạng khẩn cấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh, những chia sẻ từ thực tiễn và kiến nghị của Tây Ninh là nguồn thông tin quan trọng, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu tối đa để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật với chất lượng cao nhất, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cao hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình thực tế, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho triển khai các hoạt động khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.