Chiều 11.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang chủ trì cuộc làm việc.

Ban hành nhiều chính sách thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo, tính tới tháng 11.2024, số lượng cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 2.784 người, 55% cán bộ, công chức trình độ đại học, 42% cán bộ, công chức có trình độ thạc sĩ trở lên. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 3.982 người, 83% cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, đại học, 8,4% cán bộ công chức có trình độ thạc sĩ trở lên.
Về quy mô, số lượng, cơ cấu lao động và trình độ nhân lực trong doanh nghiệp, giai đoạn 2021 - 2024, lực lượng lao động Hải Phòng tăng gần 16,8 nghìn người (tăng 1,62%). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực: giảm nông, lâm, ngư nghiệp; tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Lao động từ khu vực tư nhân chuyển sang FDI do thành phố tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Lao động thành thị tăng nhờ đô thị hóa, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 1,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ tăng 3%, hiện đạt 39%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cho biết, trong bối cảnh phát triển hiện nay, Hải Phòng rất cần có các chính sách đặc thù, đột phá hơn nữa để thu hút, giữ chân nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao
Tiền lương bình quân của người lao động tại Hải Phòng tăng đều qua các năm. Năm 2021, mức lương bình quân đạt 7,58 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2024, ước đạt 8,68 triệu đồng/người/tháng. Mức lương tại doanh nghiệp FDI luôn cao nhất, ước đạt 9,21 triệu đồng vào năm 2024. Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, có khoảng 215.368 lao động, thu nhập bình quân đạt 11,59 triệu đồng/người/tháng.
Giai đoạn 2021 - 2024, thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiêu biểu như Nghị quyết 10/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2024 - 2030; Nghị quyết 12/2023/NQ-HĐND về mức thưởng cho huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích cao; Nghị quyết 12-NQ/TU và Quyết định 1869/QĐ-UBND, Nghị quyết 20/2024/NQ-HĐND liên quan đến phát triển Trường Đại học Hải Phòng và thu hút giảng viên trình độ cao.

Đặc biệt, ngày 6.3.2025, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31.12.2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về thu hút, trọng dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, kết nối
Từ kết quả triển khai chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2024, thành phố Hải Phòng rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng, quản lý thống nhất của chính quyền là điều kiện tiên quyết để huy động đồng bộ các nguồn lực phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Chính sách phải đi trước một bước, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch vùng/địa phương. Những mô hình thí điểm cần được tổng kết kịp thời để nhân rộng. Liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - nhà khoa học là mô hình hiệu quả để phát triển nhân lực phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển bền vững. Việc bảo đảm hài hòa giữa đầu tư công, xã hội hóa và hợp tác quốc tế chính là giải pháp lâu dài cho bài toán chất lượng và hiệu quả. Coi trọng công tác dự báo thị trường lao động và phân tích xu hướng nhân lực trong dài hạn là điều kiện để chủ động quy hoạch đào tạo, sử dụng nhân lực, tránh lãng phí hoặc thiếu hụt cục bộ.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Rà soát cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm tạo đột phá và đồng bộ; xây dựng khung pháp lý đồng bộ và kịp thời để phát triển các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số…
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm; đa dạng hóa và ứng dụng công nghệ số trong cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động
Đoàn giám sát đánh giá rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực của Hải Phòng, khi trong giai đoạn 2021 - 2024, thành phố đã ban hành gần 80 văn bản (gồm 11 văn bản của Thành ủy, 15 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 53 văn bản của Ủy ban nhân dân).

Tình hình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao của thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng tiên phong thực hiện chuyển đổi đánh giá chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên trên hệ thống trực tuyến TEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển đa dạng về loại hình, lĩnh vực, trình độ và hình thức đào tạo. Đặc biệt, năng suất lao động năm 2023 của Hải Phòng đạt khoảng 16.500 USD/lao động, cao gấp đôi so với mức trung bình của cả nước là 8.380 USD/lao động.
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên của Hải Phòng còn thấp so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng. Cơ cấu trình độ và nghề đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn với nhu cầu lao động của từng ngành, địa phương. Trình trạng thiếu hụt lao động có xu hướng tăng, doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, kể cả lao động qua đào tạo và lao động phổ thông...

Đoàn giám sát đề nghị Hải Phòng quan tâm đầu tư, bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của từng ngành, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn. Tăng cường công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu; đầu tư xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, hiệu quả…
Trong bối cảnh nguồn lao động của thành phố đã tới hạn, không gian phát triển liên tục được mở rộng, cạnh tranh giữa các địa phương ngày càng lớn, Đoàn giám sát mong muốn Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu có các chính sách đặc thù, đột phá hơn nữa để thu hút và giữ chân lao động ngoại tỉnh đến và gắn bó, cống hiến cho thành phố.