Sáng 11.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Sở Nội vụ Hải Phòng về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo của Sở Nội vụ Hải Phòng cho biết, nguồn nhân lực của thành phố hiện nay chủ yếu thuộc hai nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngoài khu vực công.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố hiện có gần 39.000 người. Theo đánh giá chung, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố giai đoạn 2021 - 2024 có nhiều chuyển biến tích cực; việc dịch chuyển lao động ra khỏi khu vực công có xu hướng giảm dần qua từng năm (năm 2023 là 172 trường hợp, năm 2024 là 138 trường hợp).
Để đạt được kết quả này là nhờ những chính sách ưu việt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong thu hút nhân lực chất lượng cao ngay từ khâu tuyển dụng, khuyến khích người trẻ, người có tài gắn bó với khu vực công, cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ đãi ngộ, chi trả thu nhập bình quân tăng, góp phần tăng mức sống, bảo đảm ổn định đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.

Đối với nhóm lao động ngoài khu vực công, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 1 triệu lao động. So với năm 2021, năm 2024 lực lượng lao động của thành phố tăng gần 16,8 nghìn người, tương ứng 1,62%. Cơ cấu lao động của thành phố có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng của thành phố là giảm lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp và tăng lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Chất lượng lao động của thành phố cũng như thu nhập bình quân của người lao động trong giai đoạn này tăng dần qua từng năm. Tính đến năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố tăng 1,5% so với năm 2021; thu nhập bình quân năm 2024 tăng 15% so với năm 2021.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực về nguồn nhân lực tại địa phương trong giai đoạn 2021 - 2024, tuy nhiên việc thực hiện các chính sách, pháp luật về sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm còn cao; tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ từ 3 tháng trở lên còn thấp so với nhiều tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội cũng như sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động.
Đối với nhóm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có nhiều ngành nghề chưa thu hút được người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành; chưa đáp ứng được các yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Để khắc phục những tồn tại kể trên, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các chính sách vượt trội để thu hút nhân tài theo cơ chế riêng của thành phố, Sở Nội vụ Hải Phòng đề nghị đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức với đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm.
Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế cung cấp cơ sở dữ liệu, giới thiệu sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để thành phố triển khai thực hiện chính sách tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố...
Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2024. Đặc biệt là Sở Nội vụ đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành nhiều chính sách thu hút, giữ chân nhân tài. Đoàn giám sát đề nghị Hải Phòng tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp, để đáp ứng kịp thời xu thế chuyển dịch việc làm hiện nay.