Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Thái; các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Theo Tờ trình, việc ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Đồng thời, đánh giá tính hiệu quả của cơ chế Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công trong trường hợp không có người khởi kiện. Trên cơ sở đó, sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương và 19 điều. Đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết là Viện kiểm sát nhân dân, người tiến hành tố tụng thuộc Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn để khởi kiện vụ án dân sự công ích; Toà án nhân dân, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích theo quy định tại Nghị quyết này; người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự công ích; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đánh giá cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian ngắn đã xây dựng được dự án Nghị quyết có chất lượng, nội dung bảo đảm bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Các ý kiến cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết bởi cho đến nay, việc các cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ kịp thời lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương theo quy định còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phải có cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hiện khởi kiện vụ án dân sự để kịp thời bảo vệ quyền lợi của cá nhân, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.

Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết giao cho Viện kiểm sát có thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp các cơ quan, tổ chức không khởi kiện là cần thiết, nhằm tạo lập cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhóm chủ thể dễ bị tổn thương, bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, hồ sơ dự án Nghị quyết được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị; hồ sơ cơ bản đủ tài liệu theo quy định.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu theo hướng quy định có tính chất dẫn chiếu đến quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất và thuận lợi trong việc áp dụng, giải quyết vụ án dân sự công ích.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ, sau một buổi làm việc hết sức trách nhiệm, khẩn trương, khách quan, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất xác đáng, góp ý trực tiếp vào nhiều nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nghiên cứu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, bảo đảm hồ sơ dự thảo Nghị quyết khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kèm theo báo cáo giải trình ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết có chất lượng cao nhất.