
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích trồng rừng thay thế để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Nghệ An là 2.456,32 ha, trong đó diện tích phải trồng rừng thay thế thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa là 1.651,05 ha, thuộc tỉnh Nghệ An là 805,27 ha. Đến nay, chủ đầu tư đã nộp đầy đủ tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An theo quy định.
Cũng theo báo cáo, hợp phần xây dựng công trình đầu mối đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 31.5.2025. Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang được các địa phương tích cực triển khai, trong đó tại Nghệ An đã hoàn thành 50% khu tái định cư sau đập phụ 1 của hồ chứa nước, hoàn thành 85% việc xây dựng khu tái định cư khu vực dốc 77.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Hồ chứa nước Ka Pét được phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Hồ chứa nước này có dung tích 51,21 triệu m3, tổng diện tích đất là 697,73ha, với tổng mức đầu tư 874,089 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ, đến nay, dự án đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 203/GPBTNMT ngày 28.6.2023; đã hoàn thành và được Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án tại Quyết định số 3821/QĐ- BTNMT; Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án tại Quyết định số 470/QĐ-UBND ngày 12.3.2025. Công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12.2020 và hoàn thành cập nhật kết quả kiểm tra vào tháng 4.2022. Ngoài ra, để triển khai dự án, Bình Thuận đã thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai giải ngân nguồn vốn...

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án Hồ chứa nước Sông Than có dung tích 85,04 triệu m3 và đã được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 với tổng diện tích 431,76 ha.
Sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), UBND tỉnh Ninh Thuận đã nỗ lực triển khai hoàn thành nhiều hạng mục của dự án. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4 này. Đặc biệt, công tác trồng rừng thay thế đã hoàn thành và được đánh giá đạt yêu cầu.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với dự án Hồ chứa nước Ka Pét, Thường trực Ủy ban đề nghị, Chính phủ thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, nhất là chế độ báo cáo; rút kinh nghiệm chủ động báo cáo sớm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nếu có thay đổi về tiến độ thực hiện dự án; làm rõ tính chủ động của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội…
Đối với dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, Thường trực Ủy ban đề nghị, Chính phủ cần rà soát, xác định giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng phục vụ thi công công trình; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thống nhất phương án thực hiện trồng rừng thay thế…
Đối với dự án Hồ chứa nước Sông Than, Thường trực Ủy ban ghi nhận nỗ lực của chính quyền địa phương và đơn vị thi công; đề nghị nghiên cứu bổ sung các bài học kinh nghiệm của địa phương trong triển khai dự án. UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo bổ sung về nhu cầu vốn đầu tư hệ thống ống dẫn nước để phát huy cao nhất hiệu quả của hồ chứa nước Sông Than.

Các đại biểu dự họp tập trung thảo luận về tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân nguồn vốn; công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than; trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các dự án...

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp tại phiên họp này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện báo cáo về 3 dự án, chú ý nêu rõ về tiến độ, bố trí nguồn vốn, triển khai giải phóng mặt bằng; thể hiện rõ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện với dự án phải kéo dài; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành trong việc triển khai…; đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của từng cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Về công tác trồng rừng thay thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi nêu rõ, Chính phủ cần có đánh giá chung và bổ sung số liệu cụ thể liên quan đến triển khai công tác này, tạo cơ sở để Thường trực Ủy ban đưa ra đánh giá, đề xuất phù hợp trong báo cáo thẩm tra.