
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến đáng kể, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Khánh Hoà xác định việc xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ nhân lực tay nghề cao là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp, các chủ trương, chính sách trọng tâm theo định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2024, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu cụ thể về lao động và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh như sau: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc khoảng 560.683 người; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%. Cơ cấu lao động theo trình độ nhân lực: Lao động phổ thông chiếm 65%; Sơ cấp chiếm 0,88%; Trung cấp chiếm 10,45%; Cao đẳng chiếm 12,04%; Đại học và trên đại học chiếm 11,63%.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, toàn tỉnh hiện có 67 tổ chức Khoa học và công nghệ, 1.221 chuyên gia là các cá nhân tham gia vào các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ các viện trường, các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhân lực khoa học và công nghệ tính đến cuối năm 2023 là 3.131 người, với 98 tiến sĩ, 584 thạc sĩ, 1.401 đại học, 47 cao đẳng, khác là 991 (trong đó có 6 Phó giáo sư).

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân phát biểu
Một trong những điểm nổi bật trong việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua là tỉnh đã chính thức triển khai áp dụng bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả và hiệu quả công việc (KPI) cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh từ ngày 1.4.2025. Đây là một bước đi đột phá của Khánh Hòa nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đánh giá một cách khách quan, minh bạch và thực chất, khắc phục tình trạng đánh giá hình thức trước đây.

Trước khi triển khai trên toàn tỉnh, Khánh Hòa đã tiến hành thí điểm tại 19 cơ quan thuộc UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND cấp huyện từ đầu tháng 3 năm 2025. Qua đợt thí điểm tại Sở Tài chính, kết quả cho thấy thời gian làm việc trung bình của cán bộ chỉ đạt 5,5 giờ/ngày/người, và rất ít cán bộ làm đủ 8 giờ/ngày theo quy định. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc áp dụng KPI để đánh giá thực chất hiệu quả làm việc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, hiện nay Khánh Hòa chủ yếu phát triển về dịch vụ, du lịch, tuy nhiên, hầu hết sinh viên địa phương đi học và làm việc tại các địa phương khác với nhiều ngành nghề khác nhau mà Khánh Hoà chưa phát triển.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hoá và Xã hội Đỗ Chí Nghĩa phát biểu
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, khoa học công nghệ, y tế... còn thiếu; tỷ lệ lao động trình độ thấp, chưa qua đào tạo còn cao; cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng chất lượng chuyển dịch chưa bền vững. Việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc hoặc cán bộ có độ chuyên môn cao tham gia làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước còn hạn chế.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Trung ương xem xét có cơ chế đồng bộ chương trình kết hợp vừa đào tạo văn hóa, vừa đào tạo nghề, từ đó đảm bảo thời gian đào tạo phù hợp với nhu cầu học tập và nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn giám sát kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng cơ chế, chính sách riêng thu hút nguồn nhân lực chất lượng, không chỉ về tài chính mà còn các đặc thù khác mà Khánh Hòa sẵn có như môi trường, khí hậu, điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó là chính sách về nhà ở, tránh lãng phí nguồn lực; cần phối hợp chặt chẽ với nhiều cơ quan, doanh nghiệp để nắm bắt, theo dõi thông tin, cập nhật thông tin việc làm tại địa phương.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị tỉnh Khánh Hoà quan tâm tới công tác quy hoạch và dự báo nguồn nhân lực trong bối cảnh thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian tới. Cần có cơ chế vượt trội, phát triển cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh cũng như các tỉnh khác.

Đại biểu tỉnh Khánh Hòa tham dự cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá và Xã hội cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát huy kết quả đã có trong chi ngân sách cho giáo dục; tập trung đầu tư cho một số cơ sở giáo dục và ngành nghề trọng điểm, then chốt đáp ứng nhu cầu về nhân lực tại địa phương.
Các kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu để có thêm căn cứ thực tiễn trong xây dựng chính sách phù hợp với các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.