Theo Nghị quyết số 1579, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn ông Nguyễn Quốc Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Khóa XV.
Theo Nghị quyết số 1584, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Ban Soạn thảo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng làm Trưởng Ban; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần làm Phó Trưởng Ban.
Cũng theo Nghị quyết, Ban Soạn thảo làm việc theo chế độ tập thể. Ban Soạn thảo sử dụng con dấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình hoạt động. Ban Soạn thảo chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ban Soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo, chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự thảo nghị quyết và có các nhiệm vụ: nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết và thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc soạn thảo nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các luật, nghị quyết có liên quan; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến, xây dựng dự thảo tờ trình và các văn bản khác trong quá trình tổ chức soạn thảo nghị quyết; bảo đảm các quy định của dự thảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của văn bản.
Theo Nghị quyết số 73, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị kết thúc hoạt động của Ban Thư ký, Quốc hội Khóa XV. Nghị quyết số 32/2023/UBTVQH15 ngày 14.2.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký và các quy định có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chế độ chính sách đối với Ban Thư ký, thành viên Ban Thư ký hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 73 có hiệu lực thi hành.
Theo Nghị quyết số 75, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung các dự án luật, dự thảo nghị quyết sau vào Chương trình lập pháp năm 2025: trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2025) dự án Luật Phòng bệnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười sang Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười theo quy trình tại một kỳ họp.
Điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân từ Kỳ họp thứ Chín sang Kỳ họp thứ Mười.
Giao Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám để hoàn thiện dự thảo Luật, đồng thời nghiên cứu, làm rõ về phạm vi sửa đổi (từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 vào Chương trình, trình Ủy ban Thường Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 7.2025.