Đó chính là tính nhân văn, tính đạo đức làm nên bản chất nhân văn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì Nhân dân và cho Nhân dân, vì sự hùng mạnh của quốc gia, mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng và phát triển mang tầm chiến lược. Đó cũng là bản chất ưu việt của chế độ ta, nhân tố làm nên sức mạnh và tôn vinh Quốc thể Việt Nam. Xét cho cùng, đó chính là văn hóa.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường
Do đó, công việc mấu chốt cần kíp tập trung đổi mới thể chế ở đây trước hết và trung tâm là nói đến vai trò của Nhà nước trong và đối với nền kinh tế đất nước hiện nay, thông qua các việc chế định và định chế các cơ chế, chính sách vĩ mô và đòn bẩy đối với nền kinh tế, theo chủ kiến của Nhà nước. Nói xác đáng, đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, xét ở mọi chiều cạnh cả chính trị lẫn kinh tế và văn hóa.
Trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, cần nhấn mạnh, Nhà nước tập trung làm tốt các công việc: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế đưa kinh tế vận động theo quỹ đạo kinh tế thị trường hiện đại; đổi mới thể chế bảo đảm tôn trọng và củng cố các nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, bảo vệ các nền tảng về kinh tế và pháp lý của kinh tế thị trường; khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết và dự báo những chấn động, “cú sốc”, “cú co giật” của thị trường; xây dựng đội ngũ điều hành nền kinh tế một cách ngang tầm... nhằm chủ động phân bổ đúng, trúng và kiểm soát hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững; đồng thời, song hành thực hiện tốt các chức năng xã hội nhằm bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội.
Nói gọn lại, Nhà nước làm nhiệm vụ kiến tạo phát triển, dẫn lối và chuẩn bị những điều kiện cần và đủ về pháp luật và hệ công cụ quản trị để kiểm soát, điều tiết nền kinh tế thị trường một cách dân chủ, nhân văn.
Chính vì thế, khi chúng ta vượt qua và thoát khỏi vòng kiềm tỏa về văn hóa kinh tế trên phương diện phát triển kinh tế, thì đồng thời thoát khỏi vòng kiềm tỏa về kinh tế một cách văn hóa, để phát triển mạnh mẽ và bền vững của chính nền kinh tế quốc gia. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu nhập siêu, khuyến khích người trong nước sản xuất kinh doanh. Người Việt phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập, phải mở được những lối đi riêng, tạo dựng được những mô hình phát triển khác các nước khác, dĩ nhiên phù hợp với mình. Phải phấn đấu trở thành hội điểm đầu tư và thương mại toàn cầu. Việc này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Nhưng không vì thế mà không gắng sức, vì tương lai dân tộc phụ thuộc phần nhiều vào chính ở văn hóa. Đó là bản chất văn hóa của nền kinh tế quốc gia hiện nay và tương lai.
Điều cần cảnh báo là, tư duy chộp giật, “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” vô đạo đức của nhiều người có trách nhiệm đã và đang dung túng tình trạng này, gây hại lâu dài cho nền kinh tế, nhưng đáng lo hơn là, làm tổn thương văn hóa và chính trị. Nhiều năm qua, không ít cuộc đi đêm một cách tăm tối của không ít chính trị gia hủ bại với các doanh gia kém nát sặc mùi con buôn đã làm băng hoại cả hai về chính trị và kinh tế càng cho thấy, tất cả đều do hủ bại, suy đồi về đạo đức, về văn hóa kinh doanh và nguy hiểm hơn là văn hóa chính trị. Đó chính là “lỗ hổng” về pháp luật, khoảng trống về văn hóa cần được lấp đầy. Nhưng, hơn nữa, dung túng, tiếp tay cho những tệ nạn đó, vô hình phá nát không chỉ thị trường mà còn vô hình hạ sát đạo lý chính trị, đạo lý kinh doanh, thử hỏi không ít người thân mang trọng trách nếu có tự mình mua dây để tự trói chân mình, thậm chí tự thắt cổ mình thì không lấy gì làm lạ cả. Đó là phản văn hóa. Như thế, đất nước sao có thể đi nhanh, đi xa và bền vững cho được?
Vấn đề phát triển mạnh mẽ và bền vững của kinh tế Việt Nam hiện nay dường như cho thấy cần phải giải quyết ở tầm nhìn, sâu hơn là tầm chủ thuyết phát triển kinh tế trong mối quan hệ tổng thể, toàn diện và đồng thời về phát triển kinh tế với chính trị và văn hóa, chứ không phải đơn thuần chỉ dừng lại xem xét những chính sách kinh tế thành công biệt lập hay sai lầm yếu kém đơn lẻ, dù là vô cùng cần thiết, và vô hình tự bó mình vào đó. Và, nếu trái thế, chắc chắn thất bại là điều được báo trước, cũng “lạnh lùng vô tình vô nghĩa”!
Giải quyết vấn đề văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Không có văn hóa Việt Nam dân tộc và hiện đại chúng ta sẽ không có gì cả, càng không thể nói tới công việc đổi mới chính trị, kinh tế hay bất cứ phương diện nào khác, như mong muốn. Văn hóa là nền móng căn bản, là nguồn lực chiến lược cho phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI. Và điều lớn nhất là, xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, nhưng có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có, mang bản sắc Việt Nam.
Vì thế, trong thế giới toàn cầu hóa kỷ nguyên mới, bản sắc dân tộc Việt Nam phải trở thành tấm căn cước dân tộc trong cuộc chủ động hội nhập toàn cầu. Không có “căn cước” thì rất dễ bị hòa tan, thậm chí vô hình biến thành “sân sau”, trở thành nô lệ cho người khác, dù ngoài ý muốn. Linh đơn của tấm căn cước ấy không gì khác là văn hóa Việt Nam. Đó là viên linh đơn văn hóa dân tộc trong thế giới toàn cầu hóa. Vì, để trở thành một cường quốc kinh tế, người ta chỉ cần từ 30 - 50 năm, nhưng để có một nền văn hóa phải cần tới cả nghìn năm. Dân tộc không thể bị đồng hóa, bởi văn hóa Việt Nam làm nền móng cho sự tồn tại tinh thần độc lập dân tộc. Không một ai không thấy điều đó. Xung quanh vấn đề này, có mấy phương diện nổi bật cần nhận diện, xác quyết và tập trung giải quyết.
Vị thế địa - chính trị chiến lược của đất nước đã ban tạo cho dân tộc ta cơ hội và thực lực kiến tạo, phát triển một nền văn hóa Việt Nam bản sắc và hiện đại, thâu hóa tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho mình. Nhưng xử lý ra sao trước vấn đề giao thoa văn hóa, an ninh văn hóa và tiếp biến, hấp thụ tinh hoa văn hóa thế giới nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại - nền tảng tinh thần xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế trong một “thế giới phẳng” và không phẳng. Văn hóa là nền tảng, văn hóa là sự khác biệt, sức mạnh văn hóa Việt Nam nằm ở chính chỗ này, chứ không phải là sự rập khuôn, lai căng. Điều này không hề đối lập với tinh thần tiếp biến, giao lưu văn hóa quốc tế, để làm phong phú và khẳng định chỗ đứng của văn hóa trong xu thế hội nhập toàn cầu. Trái thế, nhất định rơi vào vũng bùn của sự thất bại từ căn cơ. Văn hóa lúc này chính là kinh tế và chính trị!
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam chứ không dịch chuyển, nó khác với tất cả các nền văn hóa khác và thích ứng với mọi thay đổi - đó là nền văn hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập cần hướng tới và kiên quyết phát triển. Chỉ có như thế, dân tộc mới đứng vững, cho dù sóng gió của cuộc hội nhập thế giới có thách thức “mất còn” đối với dân tộc thế nào, cho dù những đợt sóng của cuộc “động đất lịch sử” khi các chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, những cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu những năm 1998, 2008 có dập vùi đe dọa “sinh, tử” đất nước tới đâu. Đất nước đứng vững và phát triển cũng một phần vì đó và nhờ đó. Văn hóa lại chính là kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Giải quyết vấn đề văn hóa đạo đức trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chính trị lúc này là đạo đức. Một môi trường phi đạo đức là môi trường phi chính trị, phi kinh tế. Càng phát triển kinh tế thị trường, càng hội nhập quốc tế, trực tiếp là hội nhập kinh tế, chúng ta càng cần đạo đức Việt Nam tỏa sáng, một thành tố rường cột của kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế và trở thành lực lượng kinh tế hiện thực. Giáo dục và thực hành đạo đức trong Đảng lan tỏa trong toàn xã hội, tạo cơ sở, nền tảng và môi trường để xây dựng đạo đức trong Đảng và xây dựng Đảng về đạo đức, trực tiếp phát huy giá trị đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế theo các đặc trưng của văn hóa, các giá trị nhân cách của con người Việt Nam truyền thống và hiện đại. Nếu không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa cao cả về tầm nhìn, uyên bác về trí tuệ, cao quý về nhân văn, cao thượng về nhân cách và mỗi người Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào, có trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân loại thì chắc chắn chúng ta khó có thể nói tới một Việt Nam phát triển phồn vinh về kinh tế, bền vững về chính trị và nhân văn về xã hội.
Đó là thách thức chủ yếu trong cuộc kiến tạo và phát triển môi trường văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa đạo đức, văn hóa ngoại giao Việt Nam… góp phần làm nên bản lĩnh chính trị Việt Nam, sức mạnh văn hóa Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, trực tiếp phát triển nền tảng tinh thần xã hội, tạo nên xung lực mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Mặt khác, đó cũng chính là khâu đột phá ngõ hầu góp phần gìn giữ và phát triển môi trường chính trị - xã hội - kinh tế quốc tế hiện đại, ở khu vực hay trên tầm vóc toàn cầu, mà chúng ta phải tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất.
Thể chế mà chúng ta xây dựng đó chính là sự tổng hòa của cơ chế và những định chế về chính trị, kinh tế và xã hội mang tính pháp quyền, để vận hành quốc gia XHCN một cách độc lập và cụ thể.
Nói khái lược, sự đột phá đổi mới thể chế mà chúng ta phải nắm lấy như một công cụ và hành động một cách chủ động, kiên định, mạnh mẽ và đúng hướng một cách tự do, dân chủ và pháp quyền nhằm bảo đảm phát triển công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay và tương lai một cách độc lập, sáng tạo và phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, nhịp bước cùng thế giới.