Đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng
Theo giới chức và học giả Trung Quốc, hệ thống kiểm tra, giám sát kỷ luật là lý thuyết toàn diện và đổi mới, tích hợp chính trị, pháp quyền và quản lý. Chỉ khi thành lập các ngành học cấp 1 song song với các ngành chính trị, pháp luật, xã hội học và an ninh công cộng thì sinh viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Trước đó, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở đất nước gấu trúc rất coi trọng việc xây dựng các lớp liên quan, dựa vào khoa học chính trị, luật, chủ nghĩa Mác và các môn học nâng cao khác của mỗi trường để nâng cao tính kỷ luật. Hồi tháng 8, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo, 16 trường đại học sẽ bổ sung các chương trình học về kiểm tra và giám sát kỷ luật.
Thực tế là, từ năm 2008, một số trường đại học ở nước này đã bắt đầu tìm hiểu việc thiết kế các lớp học về kiểm tra, giám sát kỷ luật. Năm 2013, được sự chấp thuận của Ủy ban về học thuật thuộc Chính phủ, Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc (CUL) thông qua việc kiểm tra, giám sát kỷ luật như một ngành học độc lập cấp hai thuộc khoa học chính trị để tuyển sinh. Năm 2020, danh mục tuyển sinh sau đại học đổi tên ngành này thành “giám sát quốc gia” để tuyển sinh, bao gồm ba hướng nghiên cứu là lý thuyết giám sát quốc gia, kiểm tra kỷ luật Đảng và hệ thống giám sát của Trung Quốc. Trước đó, năm 2010, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc và Đại học Nhân dân Trung Quốc từng ký bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nghiên cứu sinh thạc sĩ trong lĩnh vực điều tra tội phạm công vụ. Các nghiên cứu sinh tham gia khóa học được gọi là các “Thạc sĩ chống tham nhũng”.
Đại học Sư phạm Quý Châu cũng quyết định thành lập một viện nghiên cứu văn hóa liêm khiết trên cơ sở trung tâm nghiên cứu ban đầu trong năm 2020. Khác với chính sách tuyển sinh thông thường, viện tuyển sinh độc lập học viên cho nghiên cứu khoa học, với đội ngũ giảng viên và nguồn lực riêng.
Ngành học liên quan mật thiết đến sự nghiệp phát triển Đảng và Nhà nước
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 10.2022 đã có hơn 100 cơ quan nghiên cứu liên quan đến thanh tra, giám sát kỷ luật do các trường đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc thành lập. Vào tháng 2, Đại học Nội Mông trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Trung Quốc thiết lập các chương trình đại học về kiểm tra và giám sát kỷ luật. Theo trang web chính thức của trường, chương trình này nhằm trau dồi kiến thức cho các chuyên gia liên ngành một cách chuyên nghiệp và đổi mới chất lượng cao, những người am hiểu kiến thức cơ bản về pháp luật, có kiến thức lý thuyết và khả năng thực hành về thanh tra kỷ luật và giám sát nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật trong thời kỳ mới.
Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cả nước bước vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Theo thống kê đến cuối tháng 4 năm nay, các cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật trên toàn quốc đã ghi nhận 4,39 triệu vụ việc và 640.000 người bị xử phạt hành chính.
Vào tháng 8 vừa qua, Đại học Hải Nam thành lập trường cao đẳng kiểm tra và giám sát kỷ luật đầu tiên của tỉnh. Ông Ma Huaide, Hiệu trưởng Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc cho rằng, kiểm tra kỷ luật và giám sát là ngành học mới có ý nghĩa thực tiễn to lớn, liên quan mật thiết đến sự nghiệp phát triển của Đảng và Nhà nước, giúp đưa ra những chỉ đạo lý luận về xây dựng đảng, chính quyền trong sạch và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống bộ môn triết học và khoa học xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Còn theo các chuyên gia nước này, kiểm tra, giám sát kỷ luật là hoạt động có chức năng chính là giám sát trong nội bộ Đảng và giám sát quốc gia. Vì vậy, việc thành lập ngành học liên quan đến lĩnh vực này sẽ giúp chuẩn hóa, pháp chế hóa lĩnh vực kiểm tra, giám sát kỷ luật, từ đó nâng cao trình độ khoa học của công tác phòng chống tham nhũng.